BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, có tác động và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và toàn dân. Do đó, công tác tuyên truyền ngày càng được quan tâm và tổ chức thực hiện thường xuyên.
Những cán bộ tuyên truyền là cầu nối giữa các chính sách của Nhà nước với đời sống của người dân, giúp từng điều khoản, quy định pháp luật khô khan trở thành những “chiếc phao cứu sinh” trong thực tiễn. Một trong những người làm xuất sắc công tác đó là chị Trần Thị Bảy- công chức văn hóa-xã hội phường Giang Biên (quận Long Biên, TP.Hà Nội).
Chị Trần Thị Bảy tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT cho người dân
Chị Trần Thị Bảy đã có hơn 10 năm gắn bó với sứ mệnh chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho người dân. Với người dân phường Giang Biên, chị Trần Thị Bảy không chỉ là một cán bộ nhà nước, mà còn là người bạn đồng hành tận tụy, giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện, BHYT. Những câu chuyện mà chị lan tỏa không chỉ lay động trái tim nhiều người, mà còn làm sáng lên ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong cuộc sống.
Khi mới vào làm việc tại UBND phường Giang Biên hồi năm 2014, chị Trần Thị Bảy không nghĩ rằng chính sách BHXH, BHYT sẽ trở thành một phần quan trọng trong hành trình làm công tác xã hội của mình. Phường Giang Biên thời điểm đó là một vùng bán nông thôn với nhiều hộ gia đình sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Người dân quen với cuộc sống lao động tay chân, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào mùa màng, đồng áng, chưa nghĩ xa về tương lai, đặc biệt là các vấn đề an sinh xã hội như lương hưu hay BHYT.
Thời điểm khó khăn ấy, chị Bảy đã bắt đầu từ những điều cơ bản nhất khi tìm hiểu cuộc sống, hoàn cảnh của từng gia đình để có cách vận động sát thực tế. Nhiều lần tuyên truyền cho người dân, câu chị nghe được nhiều nhất là: "Cả đời tôi làm ruộng, chẳng mong gì lương hưu. Đóng BHXH rồi không biết có sống được đến lúc nhận lương hay không”. Và rồi chị kiên trì kể cho người dân nghe câu chuyện về những người đã tham gia BHXH tự nguyện giờ có lương hưu, không cần nhờ cậy con cháu. Qua những câu chuyện gần gũi ấy, chị từng bước gieo niềm tin cho những người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, những người nhìn nhận chính sách an sinh xã hội như những điều xa lạ.
Hành trình đưa BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân không bao giờ dễ dàng, nhưng chị Bảy luôn tâm niệm “muốn người dân tin tưởng, mình phải kiên nhẫn và đồng hành với họ từng bước một”. Chị sẵn sàng gõ cửa từng nhà để tuyên truyền. Có lần nhận nhiệm vụ vận động một gia đình trẻ mới chuyển về địa phương, người chồng làm công nhân, người vợ ở nhà chăm con nhỏ, thu nhập bấp bênh nên họ từ chối ngay khi chị đề cập đến việc tham gia BHXH. Chị Bảy không từ bỏ mà kiên nhẫn quay lại nhiều lần, kiên trì trò chuyện, tâm sự với họ như một người bạn, lắng nghe những lo toan của họ và giải thích từng lợi ích của việc tham gia BHXH, từ quyền lợi lương hưu đến sự hỗ trợ trong lúc ốm đau, tai nạn. Sau gần nửa năm thuyết phục, họ đã đồng ý tham gia. May mắn cho hai vợ chồng trẻ đó là chỉ vài tháng sau khi tham gia BHYT, người chồng không may gặp tai nạn lao động. Chiếc thẻ BHYT bỗng trở thành "nguồn trợ lực" giúp gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.
Không chỉ dừng lại ở các hộ dân, chị Bảy còn đặc biệt chú trọng đến những nhóm yếu thế trong cộng đồng như người già, phụ nữ đơn thân và lao động tự do. Chị thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn tại các khu dân cư, phối hợp với các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Nhận thức được rằng, thời đại công nghệ số mở ra cơ hội để lan tỏa chính sách đến nhiều người hơn, chị Bảy không ngừng đổi mới cách tuyên truyền.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, khi việc tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế, chị đã chuyển sang tuyên truyền qua mạng xã hội. Chị lập các nhóm Zalo, Facebook để chia sẻ thông tin, giải đáp thắc mắc. Chị tự làm các video hướng dẫn ngắn gọn nhưng dễ hiểu để vận động mọi người tham gia BHXH, BHYT. Những video, bài viết của chị không chỉ cung cấp thông tin, mà còn chứa đựng những câu chuyện xúc động, tạo niềm tin, khơi gợi sự đồng cảm. Như bài viết của chị về một cụ bà 70 tuổi ở tổ dân phố, nhờ có lương hưu, mỗi tháng cụ đều trích ra một khoản nhỏ để ủng hộ các cháu mồ côi đã nhận được hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận tích cực. Từ đó, nhiều người dân tin tưởng đã hỏi chị về chính sách ưu việt khi tham gia BHXH, BHYT.
Hơn một thập kỷ cống hiến, những nỗ lực của chị Bảy đã mang lại những thay đổi rõ rệt cho nhiều hộ gia đình. Trong năm 2024, chị đã vận động được hơn 100 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia BHYT hộ gia đình tại phường Giang Biên lên hơn 2.000 người-một con số đáng tự hào. Đối với chị, điều đáng quý hơn cả là những câu chuyện đầy cảm xúc mà chị được chứng kiến. Nhiều người dân đến giờ vẫn coi chị Bảy như ân nhân. Nhờ có BHXH, họ nhận được lương hưu đều đặn mỗi tháng, không còn phải nhọc nhằn kiếm sống. Trồng cây lâu cũng đến ngày hái quả. Năm nay, nhiều người dân được chị tư vấn tham gia BHXH tự nguyện đã được nhận sổ hưu. “Điều đầu tiên các bác ấy chia sẻ với tôi là lời cảm ơn-cảm ơn một chính sách an sinh nhiều ý nghĩa và đặc biệt cảm ơn người đã đưa chính sách đến với người dân”, chị Bảy tâm tình.
Với chị, công việc không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm đam mê, tình yêu thương dành cho cộng đồng. Chị Bảy luôn tâm niệm rằng: “Chính sách dù hay đến đâu cũng sẽ vô nghĩa nếu không chạm được đến trái tim của từng người dân”. Chính vì thế, chị không ngừng nỗ lực để làm cầu nối, đưa những điều tốt đẹp của chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với mọi người. Chị luôn giới thiệu cho mọi người, chính sách BHYT là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội.
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính sách BHYT đã ngày càng phát triển và hoàn thiện, tạo điều kiện cho mọi người dân, nhất là những nhóm người yếu thế đều được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các lợi ích, giá trị nhân văn, thiết thực của chính sách ưu việt này. Chính sách BHYT ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống. Hệ thống pháp luật về BHYT được thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, thống nhất, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Câu chuyện về chị Trần Thị Bảy không chỉ là tấm gương sáng về sự tận tâm, mà còn là nguồn cảm hứng, là động lực để chính sách an sinh xã hội lan tỏa mạnh mẽ hơn. Nhờ những người như chị, chính sách BHXH, BHYT không còn là những con chữ xa vời, mà đã thật sự trở thành nền tảng vững chắc cho đời sống của người dân, góp phần xây dựng một xã hội an lành và bền vững hơn.
Bảo Hiệp