Trong hành trình “dệt lưới” an sinh, chị Lê Thị Thắm (TP.Vị Thanh, Hậu Giang) với vai trò nhân viên thu BHXH, BHYT đã thể hiện vai trò “cầu nối” để chính sách an sinh xã hội đến người dân.
“Bén duyên” với công tác vận động người dân tham gia BHXH, BHYT cũng hơn 4 năm, chị Lê Thị Thắm (nhân viên thu BHXH, BHYT của xã Vị Tân, TP.Vị Thanh, Hậu Giang) luôn bám sát cơ sở để tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cho rằng tuyên truyền trực tiếp là phương thức hiệu quả nhất góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT nên chị Thắm không ngần ngại “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động. Không chỉ vậy, chị khéo léo lựa chọn cách tư vấn phù hợp theo từng hoàn cảnh, từng gia đình để bà con địa phương tin tưởng, gửi gắm niềm tin.
Chị Lê Thị Thắm (trái) tư vấn chính sách cho người dân
Trong những lúc tuyên truyền, chị Thắm luôn nhắc bà con rằng chuyện đau bệnh tật là điều không ai muốn, nhưng nếu chẳng may bị bệnh mà không có thẻ BHYT thì tốn rất nhiều tiền, thậm chí phải bán tài sản, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, khó khăn; khi hết tuổi lao động không ai chăm sóc thì khoản lương hưu có được từ việc tham gia BHXH tự nguyện cũng đủ trang trải cuộc sống lúc về già. Qua phân tích, người dân hiểu hơn về giá trị của tấm thẻ BHYT, khoản lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện mà đồng thuận tham gia. “Những lúc như thế, tôi cảm thấy rất vui và được tiếp thêm động lực để tiếp tục gắn bó với công tác này”- chị Thắm bộc bạch.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đưa chính sách đến với người dân, trước hết bản thân chị Lê Thị Thắm luôn tìm hiểu rõ về BHXH, BHYT qua các nguồn tin chính thống do BHXH tỉnh cung cấp. Ngoài ra, chị còn thường xuyên được BHXH tỉnh cập nhật thông tin, kiến thức liên quan đến chính sách cũng như những quy định mới. Từ đó, tuyên truyền rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách BHXH, BHYT.
Anh Lê Ngọc Đạt (Ấp 6, xã Vị Tân), qua tư vấn của chị Thắm nhận thấy được tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện nên đã quyết định tham gia cho bản thân và vợ: “Nghe cô Thắm nói hợp lý nên vợ chồng tôi quyết định hằng tháng để dành một khoản tiền nhỏ đóng BHXH tự nguyện. Nghĩ đến việc những người không đi làm Nhà nước như chúng tôi sau này cũng có lương hưu như cán bộ, lại còn được cấp thẻ BHYT miễn phí và nhiều chế độ khác, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Tiền xài bao nhiêu cũng hết, chi bằng dành ra một khoản tham gia BHXH tự nguyện, xem như mình lo trước cho tuổi già bớt phiền lụy đến con cái”.
Sau thời gian gắn bó với công tác này, chị Thắm chia sẻ rằng đã rút ra cho mình bài học đó là phải luôn kiên trì, lắng nghe và giải thích để người dân hiểu rõ tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, có hiểu rõ thì mọi người mới tham gia và tham gia bền vững.
Ở TP.Ngã Bảy (Hậu Giang) có bà Nhữ Thị Vinh là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực V, phường Ngã Bảy cũng là người tích cực tham gia “dệt lưới an sinh”. Theo bà Vinh, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện không đơn thuần là đến nhà vận động mà quan trọng là thông qua tuyên truyền để làm thay đổi được nhận thức của mỗi người dân: “Khi đi vận động, tôi không chỉ giải thích theo văn bản, mà còn dẫn chứng về những trường hợp “người thật việc thật” khi đi KCB mà không có BHYT, phải tốn kém chi phí thế nào; trong khi đó người có BHYT thì được quỹ BHYT chi trả. Và dẫn chứng những trường hợp được nhận lương hưu hằng tháng, có cuộc sống an nhàn, ổn định khi hết tuổi lao động”.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bà Vinh luôn khéo léo lựa chọn cách vận động phù hợp theo từng hoàn cảnh, từng gia đình để bà con tin tưởng, gửi gắm niềm tin. Có những hộ chưa đồng thuận tham gia BHYT, bà luôn kiên trì, đến một lần không được thì bà đến lần 2, lần 3... Với quyết tâm đó, dần dần, bà trở thành thân quen với người dân trong xóm, khu vực. Không ít người từ chỗ thờ ơ khi thấy bà đến nhà tuyên truyền đã dần bị thuyết phục và nhiệt tình tham gia.
Gia đình bà Nguyễn Thị Mẫn ở khu vực V, phường Ngã Bảy, là một trong những hộ được bà Vinh vận động tham gia BHYT. Nhận thấy lợi ích của việc đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình, bà Mẫn đã quyết định đóng cho cả gia đình gồm 9 thành viên. “Khi thẻ BHYT của chúng tôi sắp hết hạn, cô Vinh lại đến nhắc nhở đóng tiền tiếp tục để bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe không bị gián đoạn”, bà Mẫn chia sẻ.
Thực tế đã chứng minh, ở đâu nhân viên thu BHXH, BHYT hoạt động tích cực, năng nổ, tâm huyết, thì công tác an sinh luôn có những bước chuyển tích cực. Họ tận tâm cống hiến, ngày đêm lan tỏa ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đến từng người dân, góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT. Nhiều nhân viên thu BHXH, BHYT ở Hậu Giang không chỉ làm tốt công việc phụ trách mà còn là những “sứ giả” thầm lặng, mang lại niềm tin và hy vọng cho cộng đồng. Họ là những nhân tố tích cực trong công tác an sinh địa phương.
Thanh Tú