Nhiếp ảnh Việt đã có một chặng đường dài 50 năm kể từ sau ngày đất nước thống nhất. Nghệ sĩ nhiếp ảnh- chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, đã và đang xông pha, có mặt ở khắp nơi, ghi lại hình ảnh chân thực về những dấu mốc phát triển của đất nước.
Hội thảo với tiêu đề Nhiếp ảnh Việt Nam- 50 năm phát triển cùng đất nước vừa được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hồ Sỹ Minh- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, các thế hệ yêu thích, đam mê với nhiếp ảnh đã đoàn kết, chung sức thực hiện nghĩa vụ công dân, ghi lại những hình ảnh chân thực, phản ảnh các dấu mốc quan trọng của lịch sử phát triển đất nước. Nhiều hình ảnh, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đã được giới thiệu với nhân dân thế giới, được lưu giữ thành tư liệu lịch sử.
Nửa thế kỷ qua cũng là thời kỳ quan trọng ghi nhận đội ngũ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Hội đã có 1.075 hội viên, đang hoạt động sáng tạo ở tất cả các tỉnh, thành, chi hội trong cả nước, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc phát triển văn hóa dân tộc. “Nhiếp ảnh đang thật sự trở thành hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật, đời sống văn hóa tinh thần của con người không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới”- Nghệ sĩ Hồ Sỹ Minh nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò của nhiếp ảnh trong chặng đường vừa qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng cho rằng, nhiếp ảnh Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo dựng và lan tỏa hình ảnh Việt Nam năng động, giàu bản sắc. Với việc ghi lại chân thực, tác động mạnh mẽ đến cảm xúc và khả năng kể chuyện sâu sắc, nhiếp ảnh đã phản ánh hiện thực cuộc sống, góp phần xây dựng nhận thức, khơi gợi đồng cảm và thúc đẩy thay đổi tích cực trong xã hội. “50 năm qua nhiếp ảnh đã góp phần lớn vào việc bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Những bức ảnh về các lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc, phong tục tập quán và di sản văn hóa của Việt Nam không chỉ giúp ghi lại bản sắc văn hóa độc đáo, mà còn giúp thế giới hiểu và trân trọng hơn về sự đa dạng văn hóa của đất nước”- Nghệ sĩ Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đồng tình với thành tựu của nhiếp ảnh trong việc góp phần làm phong phú cho hoạt động văn học nghệ thuật, minh chứng cho các chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, nhiếp ảnh còn có giá trị truyền thông mạnh mẽ hiện thực, tạo niềm tin cho công chúng trong mọi thời đại. “Hy vọng rằng, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của đất nước, nhiếp ảnh Việt Nam quyết tâm có những bứt phá ngoạn mục hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh”- nghệ sĩ Trần Thị Thu Đông bày tỏ.
Trong tiến trình xây dựng văn hóa thành một nền công nghiệp, vai trò của nhiếp ảnh là không thể thiếu. Để đưa nhiếp ảnh Việt vươn cao, tiến xa ra thế giới, các chuyên gia cho rằng, cần phát huy tiềm năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên, vai trò phản biện xã hội của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam với các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, phát triển nền công nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Anh Minh