Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, và ngành BHXH không phải là ngoại lệ. Thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ, BHXH tỉnh Sơn La đã nỗ lực ứng dụng CNTT, kết nối dữ liệu và hiện đại hóa quy trình quản lý, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Tại Sơn La, công tác rà soát, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên các phần mềm nghiệp vụ đã góp phần tích cực vào việc kết nối cơ sở dữ liệu với các hệ thống thông tin quốc gia. Hiện nay, 99,86% người tham gia BHXH, BHYT tại tỉnh đã được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư. Đặc biệt, 22.148 người hưởng chế độ BHXH và trợ cấp thất nghiệp đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận tiện và đảm bảo an toàn giao dịch.
Song song với đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh và Sở Y tế triển khai việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh BHYT tại 100% cơ sở y tế trên địa bàn. Kết quả, gần 1,5 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ căn cước đã được thực hiện, với tỷ lệ thành công đạt 84,5%. Những con số này cho thấy sự nỗ lực trong việc tạo dựng một hệ sinh thái số hóa toàn diện, giảm thiểu thủ tục rườm rà và nâng cao trải nghiệm của người dân.
Ngoài ra, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể. Đến nay, BHXH tỉnh đã xử lý 49.374 giấy khám sức khỏe lái xe, 19.791 giấy chứng sinh và 148 giấy báo tử được gửi từ các cơ sở y tế. Các quy trình giải quyết hồ sơ nhanh chóng, minh bạch giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, đồng thời dễ dàng theo dõi kết quả xử lý. BHXH tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 196.800 người tham gia cài đặt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để truy cập ứng dụng VssID, giúp tăng cường tiện ích và sự kết nối giữa người dân với cơ quan BHXH.
Là một trong những địa phương dẫn đầu trong ứng dụng CNTT, BHXH huyện Sông Mã đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, 100% UBND xã, thị trấn trên địa bàn đã áp dụng giao dịch điện tử trong giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT. Tỷ lệ đồng bộ dữ liệu cá nhân hoặc căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia đạt 99,93%. Hơn 25.363 tài khoản VssID đã được phê duyệt, và tất cả cơ sở y tế tại huyện đã triển khai thành công việc sử dụng thẻ căn cước gắn chip thay thế thẻ BHYT giấy.
Theo ông Quàng Văn Diên- Giám đốc BHXH huyện Sông Mã, từ đầu năm đến nay, hơn 95.600 lượt người đã sử dụng thẻ căn cước hoặc tài khoản VneID để khám chữa bệnh BHYT, với tỷ lệ tra cứu thành công đạt 88,81%. Việc chi trả không dùng tiền mặt cũng được đẩy mạnh, bao gồm chế độ BHXH cho 415 người và BHXH một lần qua tài khoản cá nhân cho 6.025 người. Ngoài ra, BHXH huyện Sông Mã đã tiếp nhận và giải quyết gần 1.400 hồ sơ liên thông cấp giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh và giấy báo tử qua dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tiện lợi, nhanh chóng.
Tại huyện Bắc Yên, công tác chuyển đổi số cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Hiện có 99,95% người tham gia BHXH, BHYT tại huyện đã được đồng bộ dữ liệu với cơ sở quốc gia. 12.675 người tham gia đã cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Toàn bộ 17 cơ sở y tế tại huyện đều triển khai sử dụng thẻ căn cước thay thế thẻ BHYT giấy, với gần 16.000 lượt tra cứu thành công từ đầu năm, đạt tỷ lệ 86,1%.
Ông Đào Đình Lương- Phó Giám đốc BHXH huyện Bắc Yên cho biết: BHXH huyện đã đơn giản hóa TTHC thông qua các dịch vụ công trực tuyến. Việc tích hợp các tính năng giảm trừ mức đóng vào thủ tục gia hạn thẻ BHYT hay liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đã mang lại hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, BHXH huyện đã tiếp nhận và giải quyết 729 hồ sơ liên thông trực tuyến, đồng thời chi trả các chế độ BHXH và trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân cho 816 người. Nhằm hướng tới mục tiêu đồng bộ 100% dữ liệu với cơ sở quốc gia, BHXH huyện Bắc Yên đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, đẩy mạnh công tác truyền thông và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ,” BHXH tỉnh Sơn La đang không ngừng cải tiến quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Việc tích hợp thông tin định danh cá nhân, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID và triển khai dịch vụ công trực tuyến không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia mà còn xây dựng niềm tin đối với hệ thống BHXH.
Những nỗ lực này không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện mà còn thể hiện cam kết của ngành BHXH trong việc phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả, công khai và minh bạch. Tương lai, những bước tiến này sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc để ngành BHXH Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kỷ nguyên số, đưa các dịch vụ an sinh xã hội đến gần hơn với mọi người dân.
PV