Bộ Quốc phòng Thái Lan đang cân nhắc một đề xuất từ người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ Lãnh thổ (TDC) nước này là cho phép nam giới trả tiền để được miễn nghĩa vụ quân sự, và số tiền đó được dành để hỗ trợ binh lính.
Báo Bangkok Post (Bưu điện Bangkok) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Phumtham Wechayachai cho biết đề xuất do Trung tướng Taweepool Rimsakorn đưa ra là mang tính cá nhân sau khi Bộ này tìm kiếm ý kiến đóng góp về cách chuyển đổi từ chế độ nghĩa vụ quân sự sang hệ thống nhập ngũ tự nguyện.
Khẳng định đề xuất sẽ được đánh giá cẩn thận, Bộ trưởng Phumtham lưu ý nó có thể mang lại lợi ích không cân xứng cho những người thuộc các gia đình giàu có hơn. Ông cũng thừa nhận, mặc dù mục tiêu là nhập ngũ tự nguyện nhưng quân đội phải đảm bảo có đủ số lượng nhân sự để duy trì sự sẵn sàng.
"Đề xuất này phải được xem xét. Có những câu hỏi về việc liệu điều này có mang lại lợi ích không tương xứng cho người giàu hay không", ông Phumtham nói.
Theo Bangkok Post, Trung tướng Taweepool Rimsakorn đã đưa ra ý tưởng này hôm thứ Tư tuần trước (8/1) khi ông nói rằng chưa rõ có bao nhiêu người sẽ nhập ngũ trong năm nay cho đến khi hoàn tất các đơn đăng ký trực tuyến. Ông cho biết rất khó để dự đoán liệu có nhiều người quan tâm hơn hay không nếu không có các ưu đãi bổ sung. Ông đề xuất những cá nhân xin miễn trừ có thể trả một khoản phí và số tiền đó sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho những người tình nguyện nhập ngũ. Ông cũng thừa nhận ý tưởng này có thể gây tranh cãi và cho biết sẽ xem xét thêm các giải pháp thay thế để tìm ra giải pháp tốt nhất.
"Ý tưởng này không phải là để loại bỏ nghĩa vụ quân sự mà là để cung cấp một loại lựa chọn thay thế cho những người không muốn phục vụ", ông Rimsakorn nói.
Đúng như dự đoán, dư luận ở Thái Lan ngay lập tức đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi.
Wiroj Lakkhanaadisorn- một nghị sĩ của Đảng Nhân dân (PP) đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng nó sẽ củng cố nhận thức rằng nghĩa vụ quân sự chỉ dành cho người nghèo. Theo ông, sự chênh lệnh giữa người giàu và người nghèo vốn dĩ đã tồn tại và đề xuất sẽ càng làm tăng sự chênh lệch đó.
Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về các vấn đề quân sự của Thái Lan thì cho rằng Bộ Quốc phòng, thay vào đó, nên có hành động tích cực chống lại việc lạm dụng thể chất và tinh thần đối với những người lính nghĩa vụ, và đảm bảo an toàn cho doanh trại. Ông phản ánh tình trạng một số người từ gia đình giàu thường hối lộ để tránh nghĩa vụ quân sự, và câu hỏi là liệu đề xuất này có giải quyết được các khoản thanh toán ngầm ước tính lên đến 2 tỷ baht mỗi năm hay không.
Trong khi đó, các nhà phê bình, bao gồm cả chuyên gia pháp lý Surapong Kongchantuk, đã kêu gọi quân đội tập trung vào việc thúc đẩy mọi người tham gia quân đội thay vì tìm cách để họ tránh né. Theo ông, quân đội có thể khuyến khích nhập ngũ bằng cách tăng cường phúc lợi, đảm bảo công bằng trong việc thăng tiến nghề nghiệp và giải quyết các lo ngại về bạo lực và ngược đãi trong quân đội. Ông cho rằng, quân đội nên tập trung vào những nỗ lực tích cực này thay vì đưa ra một chính sách có thể gây chia rẽ.
Tại Thái Lan, tất cả nam giới trên 20 tuổi đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Tuy nhiên, quá trình này có thể được hoãn lại cho đến 26 tuổi nếu cá nhân đó đang tham gia một chương trình giáo dục, học tập nào đó.
Kỳ tuyển nghĩa vụ quân sự ở Thái Lan được tổ chức vào tháng 4 hằng năm. Thời gian phục vụ trong quân đội khác nhau tùy theo nhóm đối tượng: những người tình nguyện phục vụ từ 6 đến 18 tháng tùy thuộc vào trình độ giáo dục, trong khi những người nhập ngũ theo lệnh phải phục vụ 2 năm. Những ai muốn tránh nghĩa vụ quân sự hoàn toàn phải tham gia chương trình Đào tạo sĩ quan dự bị Thái Lan- yêu cầu ba năm huấn luyện trong thời gian học trung học.
Hoàng Dương