Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 11/1, công bố khoảng 14.700 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó 66 trường hợp tử vong, đã được báo cáo tại 20 quốc gia châu Phi trong khoảng thời gian từ tháng 1/2024 đến ngày 5/1/2025.
WHO cho biết số ca mắc bệnh được xác nhận chỉ là một phần nhỏ trong số ca nghi ngờ. Trước đó, tổ chức này chỉ ra rằng rất nhiều người nghi mắc đậu mùa khỉ (Mpox) vẫn chưa được xét nghiệm nên họ "không bao giờ được xác nhận" tại một số quốc gia châu Phi do năng lực chẩn đoán hạn chế.
Trong báo cáo mới nhất, WHO nhấn mạnh rằng đợt bùng phát đang diễn ra do nhiều nhánh của virus, bao gồm cả biến thể Clade Ib, đang lây lan chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước lân cận. Những ca mắc bệnh liên quan đến du lịch nhập khẩu do biến thể Clade Ib gây ra và lây truyền thứ cấp từ các ca mắc bệnh này cũng đã được phát hiện bên ngoài châu Phi. Theo WHO, các trường hợp nhập cảnh này chủ yếu đã đi du lịch trong thời gian ủ bệnh hoặc có triệu chứng sớm, và họ chỉ được chẩn đoán mắc bệnh khi đến các quốc gia khác.
Trong báo cáo trước đó, WHO phản ánh biến thể mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Kivu, một tỉnh phía Đông của Cộng hòa Dân chủ Congo có thể đã xuất hiện vào khoảng giữa tháng 9/2023.
Vào giữa tháng 8/2024, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi đã tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ đang diễn ra ở châu lục này là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng liên quan đến an ninh lục địa. Ngay sau đó, WHO cũng công bố đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, kích hoạt mức cảnh báo toàn cầu cao nhất đối với căn bệnh này lần thứ hai trong 2 năm.
Hôm 9/1 vừa qua, nhà chức trách Trung Quốc xác nhận đã phát hiện ổ dịch chủng đậu mùa khỉ mới, nhánh lb, trong bối cảnh virus này lan ra nhiều nước nữa, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc thông báo đã phát hiện ổ dịch đậu mùa khỉ chủng mới, nhánh lb, bắt đầu từ 1 người nước ngoài có lịch sử đi lại và lưu trú ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Sau đó, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 4 ca bệnh có tiếp xúc gần với người nước ngoài này. Các bệnh nhân đều biểu hiện triệu chứng nhẹ gồm phát ban và nổi mụn nước. Nước này đã triển khai cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung để thực hiện truy vết dịch bệnh, điều tra, đánh giá mức độ rủi ro, chẩn đoán và điều trị ca bệnh.
Bệnh Mpox lần đầu tiên được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958. Đây là một bệnh do virus hiếm gặp thường lây lan qua dịch cơ thể, các giọt hô hấp và vật liệu bị ô nhiễm. Nhiễm trùng thường gây sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.
Ngọc Tuấn