Ngày 27/12, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo thay đổi cấu trúc dân số và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Đảng và Nhà nước luôn coi công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược. Điều này đã được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng về lĩnh vực dân số, gần đây nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó khẳng định chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số- phát triển. Trên chặng đường lịch sử của công tác dân số, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.
Theo đó, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện; tuổi thọ trung bình liên tục tăng từ năm 1989 đến năm 2024, cụ thể đã tăng từ 65,2 tuổi lên 74,6 tuổi. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh với gần 23% dân số dưới 15 tuổi và 21% dân số trong độ tuổi từ 15- 24 và đang ở trong thời kỳ “Dân số vàng”, một người phụ thuộc được 2 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ. Đây là “lợi tức nhân khẩu học” cần được tận dụng để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Việt Nam. Dự kiến cơ hội nhân khẩu học ở Việt Nam sẽ kéo dài đến 2039. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề dân số trong tình hình mới như: tốc độ già hóa nhanh, tổng tỷ suất sinh giảm, thâm hụt đáng kể vòng đời kinh tế. Việt Nam đang được dự báo vào năm 2036, dân số trên 60 tuổi sẽ chiếm 20%, đánh dấu sự chuyển từ một “xã hội già hóa” sang một “xã hội già”. Già hóa dân số nhanh và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng đang tạo ra cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.
Từ điểm cầu trực tuyến tại Thái Lan, chuyên gia về dân số và phát triển văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc khu vực châu Á- Thái Bình Dương Wassana Im-Em cho rằng, cấu trúc dân số của Việt Nam đã thay đổi rất nhanh trong vài thập kỷ qua. Việt Nam đang hưởng lợi từ giai đoạn “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Ước tính, cứ một người phụ thuộc thì được 2 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ. Giai đoạn này dự báo sẽ kéo dài ít nhất thêm 10 năm nữa.
Đồng thời, dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011 với tốc độ nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác. Tỷ lệ người cao tuổi được dự đoán sẽ tăng từ 163% năm 2023 lên hơn 200% vào năm 2036, khi Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già. Việt Nam cũng đang trải qua xu hướng sinh thấp với tổng tỷ suất sinh ở mức 1,96 trong năm 2023. Những thay đổi dân số này có những tác động phức tạp, và nếu không được chú ý đúng mức, đặc biệt trong bối cảnh có đông người cao tuổi và dân số ngày càng ít đi.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, với cấu trúc dân số hiện nay, người dân Việt Nam có khoảng 31 năm, tương ứng với độ tuổi từ 22- 53 tuổi để tạo ra “thặng dư vòng đời”. Trong khi đó, khoảng hơn 40 năm còn lại, tương ứng với độ tuổi từ 0- 21 tuổi và từ 54 tuổi trở lên, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “thâm hụt vòng đời”. Như vậy, thời gian kinh tế thâm hụt dài hơn so với thời gian kinh tế thặng dư. Đây không phải là một lợi thế cho nền kinh tế khi dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh, với số người từ 60 tuổi trở lên tăng mạnh qua các năm. Nếu cấu trúc thu nhập và chi tiêu vẫn tiếp tục duy trì như hiện tại thì thâm hụt vòng đời của người Việt Nam sẽ ngày càng cao…
Nguyệt Hà