Kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế mới đây cho thấy, biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra đã bồi thêm trung bình 41 ngày vào thời gian nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu trong năm 2024.
Báo cáo của World Weather Attribution (WWA- tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu) và tổ chức Climate Central có trụ sở tại Mỹ được công bố vào cuối năm, trong bối cảnh 2024 đã được dự báo là năm nóng nhất từng được ghi nhận với một loạt kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố báo cáo, nhà khoa học khí hậu Friederike Otto thuộc WWA chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đã khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, bão và hạn hán xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, gây ra tổn thất nặng nề về người và tài sản.
Những khu vực như Bắc California và Death Valley của Mỹ, Mexico, Trung Mỹ, Tây Phi và Nam Âu đã trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp, còn ở các nước Nam và Đông Nam Á, nhiệt độ cao khiến nhà chức trách phải tạm thời đóng cửa trường học và khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời. Trong khi đó, một số quốc gia nghèo và kém phát triển phải hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn từ biến đổi khí hậu, với nhiều khu vực ghi nhận hơn 150 ngày nắng nóng khắc nghiệt trong năm.
Không chỉ nắng nóng, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão nhiệt đới và mưa lớn cũng gia tăng. Trong số 29 sự kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra năm 2024 khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng và hơn 3.700 người thiệt mạng, có 26 sự kiện có mối liên hệ rõ ràng với biến đổi khí hậu.
Nhà khoa học Otto cảnh báo, nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, tình trạng kể trên sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Theo các chuyên gia, mức tăng nhiệt độ Trái Đất đang tiến gần đến ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp- ngưỡng mà gần 200 nước ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đặt ra nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Mặc dù các hiện tượng khí hậu cực đoan dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, các quốc gia có thể giảm thiểu tác động này thông qua các chiến lược ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia là vô cùng cần thiết để chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và tài nguyên. Các quốc gia cần thực hiện các cam kết quốc tế và xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường, trong khi các tổ chức quốc tế và khu vực cần hỗ trợ các quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như phát triển các chương trình nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp giảm thiểu.
Việc giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu cũng là yếu tố quan trọng. Khi mọi người nhận thức rõ ràng, họ sẽ có hành động cụ thể để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường sống.
Báo cáo do tổ chức nhân đạo Christian Aid mới công bố cho thấy, trong năm 2024, thiệt hại do các thảm họa khí hậu nghiêm trọng trên toàn cầu đã vượt 230 tỷ USD.
Ngọc Tuấn