Bộ Nội vụ Anh, hôm 24/12, thông báo hàng trăm người đã bị bắt trong chiến dịch truy quét lao động bất hợp pháp tại London.
Thời gian gần đây, các đội thực thi di trú từ của Bộ Nội Anh đã tiến hành rà soát kiểm tra những cơ sở bị nghi sử dụng lao động bất hợp pháp, trong đó các tiệm rửa xe, tiệm làm móng, siêu thị và công trường xây dựng. Số các cuộc truy quét ở London đã tăng 11% kể từ cuộc tổng tuyển cử tháng 7.
"Chúng tôi biết rằng những người đến Anh và cuối cùng làm việc bất hợp pháp trong điều kiện tồi tệ thường bị lừa dối bởi thông tin sai lệch về khả năng mà họ có thể sống và làm việc tại đây. Điều này tạo ra sự hấp dẫn khiến mọi người liều mạng bằng cách băng qua Eo biển Manche trên một chiếc thuyền nhỏ, chúng ta phải ngăn chặn điều đó", Bộ trưởng An ninh biên giới Dame Angela Eagle tuyên bố.
Báo The London Evening Standard dẫn thông báo từ Bộ Nội vụ Anh cho biết, tổng cộng 996 chuyến ghé thăm để thực thi pháp luật đã được thực hiện trong khoảng thời gian tháng 7 đến tháng 11, dẫn đến 770 vụ bắt giữ và 462 cơ sở nhận thông báo phạt dân sự. Chẳng hạn, tại một khách sạn ở Kensington, lực lượng chức năng đã bắt giữ 6 nhân viên, trong đó 5 người bị nghi làm việc bất hợp pháp và người còn lại được xác định ở quá thời hạn visa.
Chiến dịch truy quét ở London đặc biệt tập trung vào các tiệm rửa xe, tiệm làm móng, siêu thị và công trường xây dựng bị nghi thuê lao động bất hợp pháp- những đối tượng thường phải làm việc và sống trong điều kiện tồi tàn nhưng nhận lương thấp hơn mức tối thiểu.
"Hoạt động gia tăng của chúng tôi cho thấy chúng tôi hoàn toàn tập trung vào việc ngăn chặn tình trạng lao động bất hợp pháp ở Anh và bảo vệ những người bị buộc phải làm việc trong điều kiện tồi tàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ để ngăn chặn nạn bóc lột của các băng nhóm tội phạm và đưa những người liên quan ra trước công lý", The London Evening Standard dẫn lời ông Eddy Montgomery, giám đốc thực thi, tuân thủ và tội phạm tại Đơn vị Thực thi Di trú của Bộ Nội vụ Anh.
Riêng trong năm 2024, có tới hơn 35.000 người đã liều mạng vượt eo biển Manche trên "những chiếc thuyền nhỏ" để đến Anh, nhiều hơn năm ngoái. Theo các chuyên gia nhập cư, khoảng 2/3 số người đến đây được cấp quyền tị nạn ở nước này. Hơn 70 trường hợp đã chết đuối trên biển bởi những kẻ buôn lậu dồn nhiều người vào những chiếc thuyền bơm hơi không đủ tiêu chuẩn hoạt động, trong đó phụ nữ và trẻ em thường gặp nguy cơ cao nhất.
Anh, giống như nhiều quốc gia, đã hạn chế các tuyến đường cho những người chạy trốn sự đàn áp có thể xin tị nạn ở nước ngoài.
Anh đang chịu áp lực lớn trong việc trấn áp các băng nhóm buôn người và trấn áp tội phạm do người di cư gây ra ở quốc gia này. Sau khi nhậm chức, Chính phủ Công đảng đã hủy bỏ chương trình trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda vốn gây tranh cãi sâu sắc của Đảng Bảo thủ, thay vào đó tập trung phá vỡ các băng đảng đứng sau hoạt động buôn người qua Eo biển Manche. Vẫn chưa rõ liệu chiến lược mới này có thành công hay không.
Một nghiên cứu mới do các chuyên gia của Đại học Oxford dẫn đầu thực hiện chỉ ra Anh là điểm đến của nhiều người di cư bất hợp pháp nhất trong số các quốc gia châu Âu. Nước này hiện có khoảng 745.000 người nhập cư bất hợp pháp, vượt con số 700.000 người tại Đức và cao hơn gấp đôi so với 300.000 người ở Pháp. Điều đó đồng nghĩa với việc cứ 100 người đang ở Anh thì có một người sống bất hợp pháp.
Theo nghiên cứu, con số 745.000 người nói trên bao gồm những người nước ngoài đã quá hạn thị thực, người bị từ chối tị nạn nhưng hiện đang mất tích và những người vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh.
Ngọc Tuấn