Chiều 10/7, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chi tổ chức và hoạt động BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BH thất nghiệp được tính theo tỷ lệ phần trăm của dự toán thu, chi BHXH, BH thất nghiệp (không bao gồm số chi đóng BHYT cho người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp), được trích từ tiền sinh lời hoạt động đầu tư quỹ BHXH, quỹ BH thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ
Tổng số chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giai đoạn 2025-2027 dự kiến là 46.279,4 tỷ đồng. Trong đó, số chi tổ chức và hoạt động BHXH, BH thất nghiệp dự kiến là 30.839,3 tỷ đồng, tăng hơn 9.358,5 tỷ đồng so với thực hiện giai đoạn 2022-2024.
Nếu loại trừ yếu tố khách quan do thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, thực chất chi tổ chức và hoạt động giai đoạn 2025-2027 giảm 4.394,8 tỷ đồng so với Báo cáo số 363/BC-BTC ngày 16/12/2024 và tăng 7.465,5 tỷ đồng so với thực hiện giai đoạn 2022-2024, chủ yếu do các nguyên nhân khách quan như: Tăng chi phí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do tăng số người tham gia và thụ hưởng chế độ; tăng mức lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp từ 1/7/2024; tăng kinh phí chi chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 178/2024/NĐ- CP; tăng kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BH thất nghiệp năm 2025 dự kiến tối đa 1,36%, năm 2026 tối đa 1,26%, năm 2027 tối đa 1,23% tính trên dự toán thu, chi BHXH, BH thất nghiệp (trừ số chi đóng BHYT của người hưởng BHXH, BH thất nghiệp). Bình quân giai đoạn (bao gồm kinh phí thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP) tối đa 1,28%, giảm 0,12% so với bình quân thực hiện giai đoạn 2022-2024.
Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về mức chi tiền lương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo Nghị quyết số 09, tiền lương của biên chế và người lao động làm việc trong hệ thống BHXH bằng 1,8 lần mức lương cán bộ, công chức, viên chức đến khi cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, BHXH Việt Nam thuộc đối tượng hưởng cơ chế lương đặc thù. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiền lương đối với biên chế và người lao động làm việc trong hệ thống BHXH áp dụng bằng tiền lương công chức (gồm 1 lần lương và 25% phụ cấp công vụ, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và các phụ cấp khác) cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27. Tổng tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 theo Kết luận số 83 và Nghị quyết số 142.
Đồng thời, để khuyến khích hệ thống cơ quan BHXH nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành tốt việc phát triển đối tượng, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng phần tăng thêm giữa số thu, chi BHXH, BH thất nghiệp thực hiện trong năm so với dự toán được giao (ngoại trừ yếu tố khách quan do Nhà nước điều chỉnh chính sách, chế độ) để bổ sung thu nhập, khen thưởng phúc lợi cho biên chế, người lao động theo cơ chế tài chính BHXH, BH thất nghiệp. Cụ thể, mức trích tối đa vào quỹ bổ sung thu nhập là 1 lần quỹ tiền lương và quỹ khen thưởng, phúc lợi là 3 tháng lương và thu nhập thực tế trong năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đánh giá, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc quy định về tiết kiệm chi ngay từ khâu xây dựng dự toán, chủ động rà soát, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, giao dự toán thấp hơn so với Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.
Một số kết quả tích cực được ghi nhận như tổng chi phí quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giai đoạn 2022-2024 là 36.920,9 tỷ đồng, thấp hơn 2.342 tỷ đồng so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 1.661,8 tỷ đồng so với giai đoạn 2019-2021. BHXH Việt Nam tích cực phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh việc chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp không dùng tiền mặt (khoảng 81% người thụ hưởng chính sách BHXH, BH thất nghiệp), đã tích hợp tài khoản ứng dụng định danh điện tử (VNeID) với BHXH số (VssID).
Cùng với đó, số người tham gia BHXH tăng bình quân 6,8%/năm (đến cuối năm 2024 đạt 20,1 triệu người, bằng 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi); BH thất nghiệp tăng 6,4%/năm (cuối năm 2024 đạt 16,1 triệu người, bằng 34,19% lực lượng lao động trong độ tuổi); BHYT tăng 2,5%/năm (cuối năm 2024 đạt 95,5 triệu người, tỷ lệ bao phủ 94,29% dân số). Tiền lãi từ hoạt động đầu tư quỹ (trừ chi phí đầu tư tài chính) khoảng 146.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với giai đoạn 2019-2021. Đến cuối năm 2024, tổng số dư các quỹ lũy kế đạt xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, Thường trực Ủy ban nhận thấy, mức tỷ lệ phần trăm chi tổ chức và hoạt động BHXH, BH thất nghiệp so với dự toán thu, chi BHXH, BH thất nghiệp do Chính phủ đề xuất giảm đều qua các năm và giảm so với giai đoạn 2022-2024. Thường trực Ủy ban cơ bản thống nhất với mức đề xuất này, tuy nhiên đề nghị Chính phủ lưu ý, dự kiến tỷ lệ mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BH thất nghiệp tại dự thảo Nghị quyết thấp hơn so với quy định tại Nghị quyết số 09 nhưng tăng về số tuyệt đối so với giai đoạn trước (khoảng 9,4 nghìn tỷ đồng), trong đó chi công tác quản lý người tham gia, thụ hưởng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và thu, chi trả các chế độ tăng 6,6 nghìn tỷ đồng.
Do vậy, cần chú trọng đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế chi cho tổ chức và hoạt động, trong đó lưu ý việc chi cho các nghiệp vụ chuyên môn như quản lý thu chi, phát triển đối tượng tham gia và tổ chức các phương thức thực hiện qua hoạt động dịch vụ. Đồng thời, cần từng bước giảm chi qua bên thứ ba như các đại lý BHXH, Bưu điện... nhằm tăng hiệu quả chi tiêu và giảm chi phí trung gian...
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực và trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2022-2024. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện kết quả quyết toán, kiểm toán về chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trong giai đoạn 2022-2024, ý kiến của Hội đồng quản lý BHXH. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung nội dung này; đồng thời chịu trách nhiệm về các nội dung, tính chính xác của thông tin số liệu trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.
Về mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2025-2027, Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ và cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, trong ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán để tổ chức thực hiện, đề nghị loại bỏ các nội dung chi không phù hợp, chưa đúng quy định và có giải pháp triệt để tiết kiệm chi.
Nguyệt Hà