Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Vùng thủ đô quốc gia Delhi của Ấn Độ lên tới 477 lúc 19h00 ngày 17/11 giờ địa phương, khiến các nhà chức trách phải công bố loạt biện pháp để ứng phó ô nhiễm.
Động thái trên nằm trong Giai đoạn 4 của Kế hoạch hành động ứng phó theo cấp độ (GRAP-IV).
477 là chỉ số AQI tồi tệ nhất ở Vùng thủ đô quốc gia Delhi của Ấn Độ (NCR) trong năm nay, và GRAP-IV được áp dụng sau khi AQI vượt mốc 450.
Hôm 17/11, Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí (CAQM) của Ấn Độ đã nhóm họp và quyết định triển khai kế hoạch hành động 8 điểm theo GRAP-IV trên toàn NCR kể từ 8h00 ngày 18/11.
Các biện pháp hạn chế bao gồm: Cấm xe tải di chuyển vào Vùng thủ đô Delhi, ngoại trừ phương tiện chở các loại hàng hóa thiết yếu hoặc cung cấp các dịch vụ quan trọng; cấm các phương tiện thương mại hạng nhẹ (LCV) đăng ký bên ngoài Delhi, ngoại trừ xe chạy dầu diesel tiêu chuẩn BS-VI EV/LNG/CNG/điện, đi vào Vùng thủ đô; thực thi lệnh cấm nghiêm ngặt đối với tất cả các Xe chở hàng hạng trung (MGV) và Xe chở hàng hạng nặng (HGV) chạy bằng diesel BS-IV hoạt động ở Delhi; cấm hoàn toàn các hoạt động xây dựng và phá dỡ; chính quyền địa phương có thể quyết định tạm ngừng các hoạt động giảng dạy trực tiếp; các văn phòng công cộng và tư nhân của thành phố có thể được chỉ đạo làm việc cả trực tiếp lẫn làm việc từ xa; nhân viên chính quyền trung ương có thể được hướng dẫn làm việc tại nhà; chính quyền địa phương có thể cân nhắc áp dụng các biện pháp bổ sung như tạm đóng cửa các trường đại học và những hoạt động thương mại không thiết yếu.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng công bố kế hoạch phun nước khử bụi trên đường và triển khai xe quét cơ giới để giảm bụi.
Thông báo của CAQM nêu rõ điều kiện khí tượng không thuận lợi tiếp diễn, với tốc độ gió thấp, là nguyên nhân chính khiến chỉ số AQI tăng đột ngột. Ủy ban cũng kêu gọi người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, não hoặc các bệnh mãn tính khác, hãy ở trong nhà.
Trước đó, chính phủ Ấn Độ ra tuyên bố ghi nhận chất lượng không khí ở miền bắc nước này đã trở nên tồi tệ hơn trong tuần qua do điều kiện khí tượng không thuận lợi. Thủ đô New Delhi bị bao phủ bởi lớp sương mù độc hại, vốn là hỗn hợp giữa khói và sương mù vào mỗi mùa Đông khi không khí lạnh giữ lại bụi, khí thải và khói từ các vụ đốt rơm rạ bất hợp pháp.
Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo tình trạng sương mù và tốc độ gió thấp sẽ kéo dài đến ngày 23/11.
Hỗn hợp khói, khí thải và bụi là vấn đề kéo dài nhiều năm đối với nhà chức trách ở New Delhi, trong đó khí thải từ xe cộ, bụi xây dựng và khói do đốt rơm rạ ở các bang Punjab và Haryana lân cận là những yếu tố chính gây ra tình trạng ô nhiễm hiện nay. Hội đồng Kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB) của Ấn Độ cho biết, hơn 30% trong số 39 trạm giám sát của New Delhi đều cho thấy chỉ số ô nhiễm ở mức “nghiêm trọng”, trên mốc 400, cao gấp nhiều lần so với chỉ số chất lượng không khí tốt từ 0 đến 50. Phạm vi chỉ số từ 401 đến 500 được xếp loại là mức “nghiêm trọng”, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đối với cả những người khỏe mạnh.
Ngày 5/11, IQAir- công ty giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ xác định New Delhi là thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới, chỉ sau Lahore của nước láng giềng Pakistan, nơi chính quyền cũng đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau khi ô nhiễm không khí tại đây ở mức nghiêm trọng chưa từng thấy hồi đầu tháng này.
Mới đây, Bộ trưởng Môi trường NCR Gopal Rai cho biết chính quyền vùng muốn sử dụng mưa nhân tạo để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí. Phương pháp này được tiến hành bằng cách gieo muối vào mây, từng được coi là biện pháp hạn chế ô nhiễm trong năm 2023 nhưng đã không được thực hiện do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Hoàng Dương