Bám sát các nội dung chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bến Tre, trong những năm qua, BHXH tỉnh Bến Tre đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Dương Văn Thắng- Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay, BHXH tỉnh Bến Tre đang duy trì triển khai 28 hệ thống phầm mềm, đảm bảo xử lý 100% quy trình nghiệp vụ của Ngành trên môi trường điện tử; 100% CBVC, NLĐ trong toàn hệ thống BHXH tỉnh được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý, giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH tỉnh được thực hiện trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử (eoffice). Qua đó, đảm bảo 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định…
Thực hiện Đề án 06, BHXH tỉnh Bến Tre thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, kho CSDL này đang được kết nối, chia sẻ tích cực. Theo đó, BHXH tỉnh Bến Tre phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng chủ động kết nối, thực hiện xác thực được 1.176.848/1.184.740 thông tin người tham gia và hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 99,35% (toàn tỉnh chỉ còn 6.994 trường hợp chưa được cập nhật số định danh điện tử, 706 trường hợp chưa được xác thực đúng với CSDL quốc gia về dân cư).
Trong công tác KCB, đến ngày 23/9/2024, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 100% cơ sở KCB BHYT (167/167) triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với 2.145.921/2.349.765 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT (đạt 91,32%) thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai Sổ Sức khỏe điện tử.
Để người hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp một cách thuận lợi nhất, BHXH tỉnh Bến Tre đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh triển khai thực hiện Quy trình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư. Theo đó, đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 5.685/9.931 người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng khu vực đô thị lĩnh trợ cấp qua thẻ ATM, đạt 57,24% (chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao 57%); hưởng trợ cấp BHXH một lần qua ATM đạt 99% (chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao 98%); hưởng trợ cấp BH thất nghiệp đạt 99,92% (chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao 98%).
Đối với việc triển khai ứng dụng VssID do ngành BHXH Việt Nam phát triển, đến nay, BHXH tỉnh đã triển khai cài đặt, phê duyệt cho hơn 300.000 tài khoản, giúp cho người tham gia BHXH, BHYT tiếp cận thông tin, chế độ chính sách một cách nhanh chóng, kịp thời…
Đến nay, 100% TTHC của BHXH tỉnh đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia, ứng dụng VssID… Trong 9 tháng đầu năm 2024, BHXH tỉnh đã tiếp nhận và xử lý hơn 18.431 hồ sơ, trong đó số lượng hồ sơ giao dịch điện tử là 12.909/18.431, chiếm 70,04% tổng số hồ sơ tiếp nhận, hồ sơ giải quyết đúng hạn là 16.627, đạt 98,8% so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận; tỷ lệ đơn vị thực hiện giao dịch điện tử toàn tỉnh đạt 99,2% trên tổng số đơn vị SDLĐ đang quản lý.
Với 25 DVC thiết yếu của ngành BHXH trên môi trường số, người dân không cần đến trực tiếp cơ quan BHXH cũng có thể thực hiện các thủ tục như: Gia hạn thẻ BHYT; đăng ký đóng BHXH tự nguyện; đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí; đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi… Thông qua DVC giúp người dân tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức, góp phần tinh giản TTHC.
Lê Văn