Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở là những người âm thầm góp phần giữ gìn sự bình yên cho thôn xóm, khu phố. Công việc của họ thường xuyên đối mặt với những tình huống nguy hiểm, vất vả, nhưng chế độ đãi ngộ còn hạn chế, đặc biệt là nỗi lo về tương lai không có lương hưu khi về già.
Trước thực tế đó, nhiều địa phương đã và đang triển khai mạnh mẽ chính sách BHXH tự nguyện cho lực lượng này. Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, cơ quan BHXH và các tổ chức liên quan, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trong lực lượng bảo vệ ANTT ở huyện đã tăng mạnh, tạo tiền đề cho sự đảm bảo an sinh lâu dài. Đây là một mô hình điển hình, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Nhà nước đối với những người đang ngày đêm bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng.
Ảnh minh hoạ
Khi màn đêm buông xuống, trong lúc mọi người yên giấc, trên những con đường vắng hay tại các khu dân cư, vẫn có những bóng áo xanh thầm lặng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Họ là những thành viên của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở– những người ngày đêm tuần tra, đảm bảo bình yên cho từng con phố, từng thôn xóm. Công việc của họ không chỉ đơn thuần là giữ gìn trật tự mà còn bao gồm cả việc hòa giải mâu thuẫn, hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết các vụ việc phát sinh, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.
Dù vậy, chế độ đãi ngộ cho lực lượng này còn nhiều hạn chế. Không thuộc biên chế chính thức, họ không có lương cố định, không có chế độ hưu trí, và tương lai sau khi rời khỏi công việc này vẫn là một dấu hỏi lớn. Nhiều người đã gắn bó với công việc suốt hàng chục năm, nhưng khi tuổi cao sức yếu, họ đối diện với nguy cơ không có khoản thu nhập nào để trang trải cuộc sống. Điều này khiến họ trăn trở: “Ai sẽ lo cho chúng tôi khi không còn đủ sức khỏe để tiếp tục công việc?”
Từ thực tế đó, việc tham gia BHXH tự nguyện trở thành một giải pháp thiết thực, mở ra cơ hội có lương hưu ổn định khi về già. Và tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, chính sách này đã nhanh chóng được triển khai rộng rãi, mang lại những kết quả tích cực.
Tràng Định là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn với 21 xã, 1 thị trấn và 166 thôn, khu. Toàn huyện có 494 người đang hoạt động trong tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của BHXH tự nguyện trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho lực lượng này, BHXH huyện Tràng Định đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai chính sách một cách hiệu quả.
Ngay sau khi Nghị quyết số 05 ngày 24/6/2024 của HĐND tỉnh Lạng Sơn được ban hành, quy định cụ thể về tiêu chí thành lập, số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT và các mức hỗ trợ đối với lực lượng này, BHXH huyện Tràng Định đã nhanh chóng vào cuộc. Cơ quan BHXH phối hợp với Bưu điện huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách các tổ bảo vệ ANTT để tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện.
Bên cạnh việc tuyên truyền qua các cuộc họp và hội nghị, BHXH huyện còn trực tiếp đến các khu dân cư để vận động, giải thích cho từng cá nhân về lợi ích của BHXH tự nguyện. Nhờ đó, nhận thức của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở dần thay đổi. Nếu trước đây, nhiều người còn e ngại về việc phải đóng tiền hàng tháng, thì nay họ đã hiểu rằng, đây chính là cách để đảm bảo tương lai ổn định hơn.
Một trong những người đầu tiên hưởng ứng chính sách này là anh Hoàng Văn Trọng- Tổ trưởng Tổ ANTT khu 4, thị trấn Thất Khê. Anh chia sẻ: “Vừa qua tôi có tham gia vào lực lượng bảo vệ ANTT của thị trấn và được nghe tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Tôi thấy đây là một chính sách rất thiết thực, giúp chúng tôi có thể yên tâm công tác mà không lo lắng quá nhiều về tương lai.”
Anh Trọng không phải là trường hợp duy nhất. Sau khi được tuyên truyền về lợi ích của BHXH tự nguyện, toàn bộ 15 thành viên trong tổ bảo vệ ANTT của thị trấn Thất Khê đã đăng ký tham gia. Ông Nguyễn Đức Thọ- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thất Khê, đánh giá cao chính sách này và cho biết: “BHXH tự nguyện là một chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước. Không chỉ cán bộ, công chức mà ngay cả những người lao động tự do, những lực lượng bán chuyên trách như tổ bảo vệ ANTT cũng có thể tham gia, để sau này có lương hưu, giảm gánh nặng tài chính khi tuổi già.”
Không chỉ ở thị trấn Thất Khê, phong trào tham gia BHXH tự nguyện của lực lượng bảo vệ ANTT còn lan rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Tràng Định. Ông Nông Quốc Quân, Phó Giám đốc BHXH huyện, cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức dịch vụ thu BHXH để tuyên truyền trực tiếp đến lực lượng bảo vệ ANTT tại các thôn, khu. Nhờ sự nỗ lực này, từ tháng 8/2024 đến hết tháng 1/2025, đã có 210 người trong lực lượng này tham gia BHXH tự nguyện.”
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng huyện Tràng Định vẫn đặt mục tiêu cao hơn: 100% thành viên trong lực lượng bảo vệ ANTT tham gia BHXH tự nguyện. Để đạt được mục tiêu này, BHXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp, giải đáp những thắc mắc của người dân và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tham gia.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ Nhà nước cũng là một yếu tố quan trọng giúp lực lượng này yên tâm tham gia. Theo quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, những người thuộc lực lượng này khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ thêm 10% mức đóng hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Đây là sự quan tâm thiết thực, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Việc tham gia BHXH tự nguyện không chỉ giúp lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có cơ hội hưởng lương hưu khi về già, mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những người đang âm thầm cống hiến cho sự bình yên của nhân dân. Với những kết quả đạt được, huyện Tràng Định đang trở thành một điểm sáng trong việc triển khai chính sách này. Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành BHXH, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ ngày càng được đảm bảo về quyền lợi, an tâm công tác và có một tương lai vững chắc hơn.
Bảo Hiệp