Ngày 9/7, Bảo hiểm xã hội khu vực XXXII cho biết, tính đến hết tháng 6/2025, toàn khu vực có 192 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 6 tháng trở lên với số tiền trên 181 tỷ đồng, gia tăng so với tháng trước.
Theo ông Lê Hùng Cường- Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXXII, số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nói trên được BHXH khu vực XXXII thống kê tại những đơn vị, doanh nghiệp có số tiến chậm đóng, trốn đóng lớn, hoặc thời gian chậm đóng, trốn đóng kéo dài từ 6 tháng trở lên.
Hết tháng 6/2025, toàn khu vực có 192 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền trên 181 tỷ đồng
Trong danh sách các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT do BHXH khu vực XXXII thống kê có hàng loạt doanh nghiệp chậm đóng với số tiền gần 10 tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng như: Công ty CP Kinh doanh chế biến Thủy sản và XNK Quốc Việt (chậm đóng trên 42 tỷ đồng, thời gian chậm đóng 79 tháng); Công ty CP chế biến và XNK thủy sản Cadovimex (gần 28 tỷ đồng, 132 tháng); Công ty CP Camimex (chậm đóng trên 9 tỷ đồng, thời gian chậm đóng 6 tháng), đây là doanh nghiệp có số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi nhiều nhất, có 1.225 lao động (chiếm trên ½ số lao động bị ảnh hưởng); Công ty CP Thực phẩm Thủy sản xuất khẩu Cà Mau (trên 9,7 tỷ đồng, 123 tháng); Công ty CP Thực Phẩm Đại Dương (gần 8,6 tỷ đồng, 173 tháng).
Ngoài ra còn có 11 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng từ trên 2 tỷ đồng đến trên 4 tỷ đồng như: Công ty CP Cảng Năm Căn (gần 4,6 tỷ đồng; 122 tháng); Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau (trên 4,2 tỷ đồng, 135 tháng); Công ty TNHH Nhật Đức Cà Mau (gần 4 tỷ đồng, 174 tháng); Công ty TNHH MTV Thủy Sản Tân Phong Phú (trên 4,1 tỷ đồng; 80 tháng); Công ty TNHH May xuất khẩu Hoàng Tâm (gần 3,5 tỷ đồng; 11 tháng); Công ty TNHH MTV Huy Liệu (gần 2,6 tỷ đồng, 162 tháng); Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Bạc Liêu (gần 2,5 tỷ đồng, 66 tháng); Công ty CP Thức ăn Thủy Sản TOMKING (gần 2,2 tỷ đồng, 62 tháng)…Các đơn vị, doanh nghiệp còn lại chậm đóng từ trên 50 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề về công tác thu và phát triển người tham gia, tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra vừa qua, ông Lê Hùng Cường yêu cầu các phòng nghiệp vụ, BHXH các liên huyện bám sát chỉ tiêu, kế hoạch, kịch bản đã đề ra, tích cực tham mưu, phối hợp, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu được giao. Quyết liệt, trách nhiệm, tích cực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp tình hình thực tế từng địa phương để thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi cho người lao động.
Ông Cường cũng cho biết, vừa qua, phòng Thanh tra- Kiểm tra kịp thời phối hợp với phòng Quản lý thu và Phát triển người tham gia và bộ phận thu tại các liên huyện gửi cảnh báo các đơn vị chậm đóng nhằm giảm tỷ lệ tiền chậm đóng, bước đầu đã có chuyển biến tích cực.
Theo đó đối với đơn vị chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng liên tục, BHXH khu vực XXXII gửi thông báo đôn đốc 10 ngày một lần; đồng thời, cử tổ công tác trực tiếp làm việc, nếu chưa chấp hành nộp sẽ tiến hành lập biên bản hành vi vi phạm.
Sau 2 lần gửi văn bản đôn đốc nhưng đơn vị không đóng tiền, cơ quan BHXH ra quyết định kiểm đột xuất, nếu phát hiện sai phạm sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo đúng trình tự pháp luật.
Theo ông Cường trước tình hình nêu trên, BHXH khu vực XXXII đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp xử lý tình trạng đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trên địa bàn.
Cơ quan Công an cần chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các ngành, BHXH tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời, tiếp nhận hồ sơ và xử lý nghiêm tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Bộ Luật hình sự.
Lê Văn