BHXH khu vực XXVII (TP.HCM) vừa có 2 văn bản hướng dẫn về việc đăng ký, kê khai BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong đó, nội dung rất đáng chú ý là lực lượng lao động như bảo vệ, thợ hồ, nhân viên nhà hàng… sẽ có cơ hội được tham gia BHXH bắt buộc.
Thợ hồ, thợ xây lâu nay thường không được DN đăng ký tham gia BHXH
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc BHXH khu vực XXVII, dù NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên đều thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Ông Quốc Thanh cho biết, lực lượng lao động này tập trung ở nhóm NLĐ làm việc tại các công ty xây dựng, nhà hàng, bảo vệ... Thực tế, vấn đề này đã được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH số 41/2024/QH15.
Từ cơ sở trên, BHXH khu vực XXVII yêu cầu các đơn vị, DN bám sát thực hiện nghiêm túc quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Bên cạnh đó, đối với nhóm NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng từ ngày 1/7/2025 thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, BHXH khu vực XXVII cũng đề nghị các đơn vị, DN rà soát, nếu NLĐ chưa tham gia thì lập hồ sơ tham gia BHXH, BHYT ngay; trường hợp đang tham gia BHXH thì đăng ký tham gia thêm BHYT.
Để thực hiện đúng Luật BHXH 2024, cơ quan BHXH cũng yêu cầu NSDLĐ có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ kịp thời theo quy định (thời hạn 30 ngày kể từ ngày NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc).
Như vậy, với hướng dẫn tương đối cụ thể của BHXH khu vực XXVII, lực lượng lao động như bảo vệ, thợ hồ, nhân viên nhà hàng, xe ôm công nghệ, giao hàng… trên địa bàn TP.HCM sẽ có cơ hội được tham gia BHXH bắt buộc, ngay sau thời điểm 1/7.
Cùng với đó, BHXH khu vực XXVII cũng hướng dẫn về đối tượng chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc sẽ gồm: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh diện còn lại sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 1/7/2029.
Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc: Theo BHXH khu vực XXVII, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 31 của Luật BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, trong đó:
Mức lương theo công việc hoặc chức danh tính theo thời gian (theo tháng) của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động được thỏa thuận trong HĐLĐ.
Các khoản phụ cấp đương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương tại điểm a khoản này chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ, được thỏa thuận trong HĐLĐ; không bao gồm khoản phụ cấp lương phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của NLĐ.
Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương theo quy định tại điểm a khoản này, được thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương; không bao gồm các khoản bổ sung khác phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của NLĐ.
Đối với việc đăng ký tham gia cho NLĐ, hướng dẫn nêu rõ, đơn vị, DN mới thành lập đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lần đầu tại BHXH thành phố, quận, huyện, thị xã nơi đơn vị đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, Chi nhánh của DN hoạt động tại địa bàn nào ở TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì đăng ký, kê khai BHXH tại địa bàn đó. Trường hợp không thể thực hiện được thì đăng ký, kê khai BHXH tại Công ty mẹ và thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn trụ sở Chi nhánh trú đóng được biết…
Về xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT của NLĐ, theo Phó Giám đốc BHXH khu vực XXVII Nguyễn Quốc Thanh, chế tài sẽ được áp dụng, thực hiện theo đúng quy định tại Điều 38,39,40,41 Luật BHXH và Điều 48a, 48b, 49 Luật BHYT.
Phạm Thọ