Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Nhà giáo sáng 20/11, các ĐBQH khẳng định nhà giáo là một nghề đặc thù liên quan đến truyền thống, đạo lý tôn sư trọng đạo. Đồng thời, thống nhất cao với quy định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp…
Giáo viên được xếp thang bậc lương cao nhất
Thảo luận tại Hội trường, ĐB Trần Văn Thức (Thanh Hóa) dẫn Báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về nhà giáo kèm theo hồ sơ Dự án Luật cũng như ý kiến của cử tri, đánh giá của xã hội cho thấy: Mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn. Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình sách giáo khoa mới...
ĐB Trần Văn Thức (Thanh Hóa)
Cũng theo ĐB Thức, về lương của nhà giáo “được ưu tiên xếp cao nhất” trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương khóa XI sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo. “Thực tế còn cho thấy, khẳng định về lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong Nghị quyết số 29 chỉ dừng lại và chưa đi vào thực tế cuộc sống, chúng tôi thấy dự án Luật lần này đã đảm bảo hiện thực hóa điều đó”- ĐB Thức nêu rõ.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh)
Cũng liên quan đến chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27 Dự thảo Luật, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng và dễ dẫn đến cách hiểu cũng như áp dụng khác nhau. Các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. “Việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này. Chính vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn với tỷ lệ phụ cấp từ 50- 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả”- ĐB Bình nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến tiền lương và chế độ đãi ngộ, ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội để từ đó tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết thật phù hợp với thực tế, đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng trong ngành. Đặc biệt là chế độ thu hút, phụ cấp ưu đãi nghề, ưu đãi trong các cấp học... nhằm tránh bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, từ đó sinh ra tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Tại phiên thảo luận, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Luật Nhà giáo được thông qua sẽ giúp các nhà giáo không cần loay hoay giữa các hoạt động chuyên môn và ứng xử xã hội. Do đó, luật cần quy định thật khắt khe cũng như có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để nhà giáo toàn tâm với nghề. Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị bổ sung, nhà giáo không chỉ nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp mà phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội; quy định nhà giáo được ưu tiên trong các hoạt động xã hội; cấm các hành vi, lời nói xúc phạm đến nhà giáo trong mọi trường hợp. Nhà giáo phải được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự không chỉ trong hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp mà phải được tôn trọng mọi nơi, mọi lúc. “Đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác”- ĐB Cường nhấn mạnh.
Cần nhìn nhận thấu đáo quy định dạy thêm, học thêm
Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, ĐB Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cho rằng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo vấn đề này bởi, thực tế, việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh. Đặc biệt, ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản ở lớp học. Nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật. Do vậy, việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì chưa thật sự phù hợp với thực tế.
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, ĐB Thủy thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng. Tuy nhiên, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo cần phải có đánh giác tác động kỹ bởi liên quan đến NSNN có đảm bảo thực hiện được hay không. Đồng thời, chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội- những người cùng hưởng lương từ NSNN.
Góp ý thêm về quy định cấm dạy thêm, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), cho rằng, cùng một chương trình học, cùng một giáo viên nhưng mức độ tiếp thu của học sinh khác nhau. Học lực trong một lớp có thể chia thành ba nhóm (nhóm đạt tiêu chuẩn thường là 80%, nhóm vượt trội 9-10% và nhóm không theo kịp bạn bè 10%). “Việc yêu cầu nhóm yếu học thêm để theo kịp bạn là cần thiết. Không chỉ với nhóm yếu, nhóm bình thường vẫn có nhu cầu học thêm để giỏi hơn và thi được vào trường tốt hơn. Nhóm vượt trội cần học thêm để đạt thành tích cao trong cuộc thi học sinh giỏi. Đây là điều “không nên hạn chế, thậm chí là khuyến khích”. Học thêm với mục đích “để có điểm cao hơn năng lực thực sự” do người dạy thêm không khách quan cần chấm dứt. Ngoài ra, ngành giáo dục xây dựng ngân hàng đề thi của từng chủ đề ở các môn học. Cơ sở giáo dục nào cho phép thầy cô dạy thêm với chính học sinh của mình thì bài kiểm tra phải được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng tiêu cực, phân biệt đối xử với em không học thêm và phản ánh đúng năng lực học sinh”- ĐB Cảnh phân tích.
ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh)
Ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm với nhà giáo, ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) khẳng định đây là hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo. Bởi trong bối cảnh hiện nay, khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình (quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng). Đồng thời, ĐB cũng đồng tình với Điều 11 dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý. “Quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo. Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay”- ĐB Hà phân tích.
Nguyệt Hà