Sáng 28/3/2025, tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Tại đây, đại biểu đã kiến nghị nghiên cứu để cơ quan BHXH thực hiện toàn bộ quy trình về BH thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ, cũng như công tác quản lý.
Hội thảo do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì. Tham dự có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong; Lãnh đạo Bộ Nội vụ. Về phía BHXH Việt Nam, tham dự có Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh, Lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH các địa phương phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành-Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai đề xuất Ban Soạn thảo nghiên cứu sửa Luật theo hướng giao cơ quan BHXH thực hiện toàn bộ quy trình về BH thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ cũng như công tác quản lý.
Ông Thành phân tích, căn cứ những vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách BH thất nghiệp những năm qua; trong đó, có việc NLĐ đã có việc làm vẫn cố tình khai báo gian dối để nhận TCTN, tuy nhiên việc phát hiện và thu hồi hết sức khó khăn.
Cơ quan BHXH được giao nhiệm vụ thu BH thất nghiệp nhưng các Trung tâm Dịch vụ việc làm lại là đơn vị giải quyết hồ sơ hưởng TCTN, cũng như đề xuất ban hành quyết định hưởng cho NLĐ. Tuy nhiên, các Trung tâm Dịch vụ việc làm không có dữ liệu của NLĐ, khi tiếp nhận thông báo việc làm phần lớn chỉ căn cứ vào sự trung thực của NLĐ. Sau đó, khi rà soát dữ liệu NLĐ tham gia tăng mới, trường hợp sai sót, cơ quan BHXH mới phát hiện ra và thông báo ngược lại. Hệ quả là phải xuất toán nhiều và 2 đơn vị phải tốn nhiều thời gian, công sức tìm cách thu hồi số tiền đã chi trả cho NLĐ. Bên cạnh đó, còn bất cập là hiện cơ quan BHXH đang thực hiện cả khâu thu và chi BH thất nghiệp, còn khâu giải quyết hồ sơ, chế độ cho NLĐ do Trung tâm Dịch vụ việc làm đảm nhận. Việc triển khai không liền mạch cũng gây ra nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Văn Thành-Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến
Cùng đóng góp ý kiến, trao đổi về vấn đề liên quan đến BH thất nghiệp trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Thanh-Phó Giám đốc BHXH TP.HCM bày tỏ sự thống nhất về quy định tại Khoản 1 Điều 45- Trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của NLĐ. Hiện nay việc xác định có việc làm hay không phụ thuộc vào việc có tham gia BHXH của NLĐ từ dữ liệu của cơ quan BHXH; còn thực tế, NLĐ có việc làm, có thu nhập thì chưa cơ quan nào kiểm soát được. Do đó, NLĐ vẫn sẽ cần thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, kiến nghị nên quy định NLĐ có thể thực hiện thông báo ngoài hình thức trực tiếp (dành cho người không thành thạo về CNTT) thì có thể bằng hình thức trực tuyến (phù hợp xu hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số) để tạo thuận lợi hơn cho NLĐ và giảm số lượng giao dịch trực tiếp.
Bên cạnh đó, nếu sau khi hưởng hết TCTN mà mới phát hiện NLĐ có việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định thu hồi số tiền hưởng TCTN sai quy định; đưa lên hệ thống của Trung tâm Dịch vụ việc làm toàn quốc; thu hồi số tiền hưởng sai trước khi giải quyết hưởng TCTN lần tiếp theo.
Ông Quốc Thanh cũng phân tích thêm việc trên thực tế đã phát sinh các trường hợp NLĐ đang hưởng TCTN, có việc làm nhưng không khai báo dừng hưởng; sau khi hưởng TCTN thì truy đóng BHXH, BH thất nghiệp trùng với thời gian hưởng TCTN. Từ đó, đề xuất Ban Soạn thảo điều chỉnh bổ sung khoản 2 Điều 58 Xử lý vi phạm pháp luật về BH thất nghiệp như sau: “Cá nhân có hành vi khai báo không trung thực về tình trạng việc làm dẫn đến hưởng TCTN không đúng hoặc có hành vi khác vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt VPHC, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam và các đơn vị tham dự Hội thảo
Về vấn đề bất cập liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thực hiện chính sách BH thất nghiệp, tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh dành nhiều thời gian chia sẻ, phân tích cùng các đại biểu. Trong đó, nhấn mạnh việc cần xem xét, đánh giá lại vấn đề tại sao đến giờ này vẫn 2 cơ quan xử lý một nội dung về BH thất nghiệp, vì vậy, cần nghiên cứu, tập trung về một đầu mối để thuận lợi trong xử lý. Đồng thời, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, do hệ thống BHXH cũng mới thông qua việc sắp xếp các BHXH khu vực, nên trong thời gian tới khi đi vào ổn định sẽ cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này.
Phạm Thọ