Công ty Điện lực Bình Định được thành lập ngày 8/12/1976- ngay sau khi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh với bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn. Đến nay, sau 48 năm xây dựng và phát triển, Công ty Điện lực Bình Định đã vươn lên mạnh mẽ giữa bộn bề khắc nghiệt, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.
Truyền thống- Điểm tựa để vượt khó
Trong những năm 80 và đầu 90 của thế kỷ trước, Bình Định là một trong những tỉnh ở miền Trung triền miên thiếu điện, nhưng cũng từ đó đến nay, tình hình cung cấp điện của Bình Định được cải thiện đáng kể, khi vươn lên hàng nhất, nhì trong Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự giúp đỡ của các ngân hàng quốc tế, đặc biệt là sự phấn đấu không mệt mỏi của ngành điện nói chung và Công ty Điện lực Bình Định nói riêng.
Di tích Nhà máy Đèn Quy Nhơn- tiền thân của Điện lực Bình Định
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 3 Trạm biến áp 220kV với tổng dung lượng 955 MVA. Trong đó, Công ty Điện lực Bình Định đang quản lý vận hành 28 Trạm biến áp 110kV có tổng dung lượng là 1.604 MVA, 33 Trạm biến áp 35kV và 5.193 Trạm biến áp 22kV với tổng dung lượng trên 1.187 KVA; cùng với 590km đường dây 110kV, 3.363km đường dây trung áp và 4.741km đường dây hạ áp… Từ những hệ thống nguồn và lưới điện này, đã tạo thuận lợi và linh hoạt cho Công ty Điện lực Bình Định trong việc tiếp nhận và phân phối nguồn điện quốc gia đến toàn bộ 116 xã, phường trong tỉnh.
Có được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Đặc biệt, đó còn là sự nỗ lực vượt bậc của tập thể CBNV của Công ty Điện lực Bình Định- những người luôn luôn biết giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của tập thể CBNV Nhà máy Đèn Quy Nhơn- nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Định, do người thợ điện Lê Xuân Trữ làm Bí thư.
Trước đó, chỉ sau 2 tháng thành lập, vào ngày 1/5/1930, Chi bộ Đảng Nhà máy Đèn Quy Nhơn đã lãnh đạo công nhân và nông dân lao động trong tỉnh tổ chức biểu tình đấu tranh đòi tăng lương; miễn phu đài, tạp dịch, đòi dân sinh, dân chủ và giảm thuế cho nhân dân. Như Nghị quyết của Đảng lúc bấy giờ đã đánh giá: “Đối với tỉnh Bình Định, Chi bộ Nhà máy Đèn Quy Nhơn không chỉ là một cơ sở Đảng đầu tiên, mà còn là một tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh bắt được liên lạc với Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Nhân viên Điện lực Bình Định sửa chữa đường dây trung thế
Từ “hạt giống đỏ” đầu tiên của Nhà máy Đèn Quy Nhơn năm 1930, đến nay, Đảng bộ Công ty Điện lực Bình Định luôn luôn đạt danh hiệu "Trong sạch vững mạnh", xứng đáng với truyền thống đấu tranh bất khuất mà người đảng viên, người thợ điện Lê Xuân Trữ đã đi tiên phong trong những ngày bình minh của cách mạng.
Có lẽ vì vậy, ngoài việc đầu tư trí tuệ và nguồn lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh của Công ty, cũng như chăm lo công tác xã hội và đời sống của CBNV, Giám đốc Thái Minh Châu rất tâm huyết với việc xây dựng Phòng Truyền thống, bởi theo anh, đây chính là nơi giáo dục truyền thống cho CBNV trong Công ty nói riêng và tuổi trẻ trong tỉnh nói chung, là nguồn sáng, là động lực và là điểm tựa vững chắc để CBNV Công ty Điện lực Bình Định vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Không còn "đói điện" như xưa
Có thể nói, dấu ấn đậm nét nhất đối với Công ty Điện lực Bình Định đó là, vào cuối năm 1994, khi các công trình điện cho miền Trung-Tây Nguyên nói chung cũng như cho tỉnh Bình Định nói riêng lần lượt được đưa vào vận hành khai thác (như Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn (66MW), các Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, Trạm biến áp 500kV Pleiku, Trạm điện 220/110/35kV Phú Tài (E21), Trạm điện 110/22/15kV-40 MVA Quy Nhơn (E20)…), đã mở ra bước ngoặt quan trọng để Bình Định cùng các tỉnh Miền Trung-Tây Nguyên thoát khỏi tình trạng “đói điện” triền miên.
Sửa chữa nhanh các sự cố về điện trên địa bàn Bình Định
Với phương châm "lấy khách hàng làm tiêu chí phấn đấu", Công ty Điện lực Bình Định đã mạnh dạn đầu tư để bán điện trực tiếp cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư tập trung và đã hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn, đã xóa bán điện đến đồng hồ tổng kiểu trung gian như trước đây, tạo điều kiện cho người dùng điện được hưởng giá điện công bằng theo quy định của Nhà nước. Nhờ cách làm này, đến nay mọi người dùng điện trong tỉnh đều bình đẳng về giá, tạo ra những thuận lợi cơ bản cho khách hàng trong việc mua bán điện.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Thái Minh Châu- Giám đốc Công ty cho biết: “Để đảm bảo cung cấp điện liên tục và an toàn, Công ty Điện lực Bình Định rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học kỹ thuật, thường xuyên bảo dưỡng, cải tạo và nâng cấp các trạm và các tuyến đường dây trung áp và hạ áp, lắp đặt thêm các trạm biến áp trung gian, nhằm giảm đến mức tối đa tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con dùng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm". Cũng theo anh Thái Minh Châu, Công ty đã đầu tư thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử- hay còn gọi là công nghệ tự động đọc chữ số từ xa qua sóng RF và 3G, vừa tăng năng suất lao động, vừa đảm bảo độ chính xác cao và rất sòng phẳng giữa ngành điện với khách hàng dùng điện.
Đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu
Đến nay, Công ty Điện lực Bình Định đã trực tiếp phục vụ khách hàng sử dụng điện tại 8 huyện, 1 thành phố và 2 thị xã thông qua 9 Điện lực trực thuộc. 116/116 xã phường và 99,99% số thôn bản đã có điện lưới Quốc gia với 487.000 khách hàng dùng điện. Hiện nay, chỉ còn một thôn duy nhất chưa có điện lưới quốc gia, nhưng vẫn được cấp điện mặt trời và điện diezen, đó là thôn O 2 của xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh)- nơi đang có 54 hộ đồng bào Ba Na sinh sống biệt lập giữa rừng núi cao. Còn thôn Canh Tiến (xã Canh Liên) của huyện miền núi Vân Canh, theo kế hoạch, sẽ được tiến hành cấp điện trong năm 2025.
Công bằng mà nói, việc đưa điện về vùng sâu, vùng xa là vì nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội của ngành điện, còn nếu để kinh doanh thì 50 năm sau vẫn không thể thu hồi được vốn, chứ đừng nói gì đến lãi. Nỗ lực của ngành điện là vậy, nhưng hiện nay vẫn còn một số người cho rằng “điện lực chỉ có việc bán điện, thu tiền”. Đúng là như vậy, nhưng để làm tốt việc “bán điện thu tiền” theo chức năng được giao cũng không đơn giản chút nào. Bởi, không chỉ có bán điện thu tiền, mà quan trọng hơn là phải quản lý, bảo dưỡng, đầu tư nâng cấp, cải tạo… tốn không ít công sức và tiền của vào đây. Và cũng bởi nguồn và truyền tải có tốt mới đảm bảo việc cung cấp điện liên tục, an toàn cho khách hàng. Đấy là chưa kể đến những sự cố đột xuất như thiên tai, bão lụt, thậm chí có lúc đang đêm chỉ vì hỏng cái tắc te, hay bị chuột cắn đoạn dây làm mất điện, thế là bà con lại gọi, mà gọi là phải đến ngay.
Một nỗ lực đáng ghi nhận của Công ty Điện lực Bình Định đó là, đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định thực hiện thành công các dự án đưa điện về làng Chòm, làng Cát, làng Cà Bông và trực tiếp thực hiện dự án cấp điện về làng Canh Tiến của xã Canh Liên và làng Canh Giao của xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh). Việc đưa điện về những địa bàn vùng sâu, vùng xa này không đơn thuần để kinh doanh, mà cái chính là góp phần xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh-quốc phòng và xây dựng nông thôn mới, thắp lên ánh sáng niềm tin cho bà con các DTTS nơi đây.
Thi công đường dây ngầm để đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu
Sau thành công của các dự án đưa điện lên 2 huyện miền núi, Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Bình Định đã thực hiện thành công dự án đưa điện ra xã đảo Nhơn Châu thuộc TP.Quy Nhơn- nơi có trên 500 hộ dân đang làm ăn sinh sống. Đây là một dự án tương đối phức tạp, bởi phải lắp đặt ngăn xuất tuyến 22kV tại Trạm biến áp 110kV Sông Cầu cùng với 12 km đường dây 22kV trên đất liền, xây dựng mới tuyến cáp ngầm 22kV mạch đơn xuyên biển với chiều dài hơn 10km nối từ Trạm cắt 22kV Hòa An (xã Xuân Hòa, TX.Sông Cầu) để đưa điện ra đảo.
Ở trên đảo cũng phải xây dựng 1km đường dây 22kV, lắp đặt 2 Trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 650 kVA và 4,6km đường dây hạ áp 0,4kV. Ngoài ra, còn xây dựng một hệ thống cáp quang dài hơn 12km nối đất liền với đảo nhằm phục vụ dân sinh và quản lý, điều hành lưới điện. Hiện nay, 100% hộ dân trên đảo Nhơn Châu đã được lắp công tơ điện tử thông minh và toàn bộ hệ thống lưới điện phân phối trên đảo đã được quản lý trên bản đồ số. Với công nghệ này, người dân được cung cấp điện với dịch vụ tốt nhất và có thể giám sát, tra cứu các chỉ số sử dụng điện qua Internet. Đây có thể nói là dấu ấn đậm nét của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đầu tư đưa điện ra các đảo (tính đến thời điểm này, cả nước đã có 11/12 huyện đảo và 81/85 xã đảo được cấp điện lưới quốc gia- PV).
Mặc dù còn có những khó khăn nhất định do thời tiết khắc nghiệt và biến động của cơ chế thị trường, nhưng với truyền thống của mình, Công ty Điện lực Bình Định vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh bền vững, năm sau cao hơn năm trước với phương thức phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, chu đáo hơn. Qua đó, quyết tâm giữ vững danh hiệu là một trong những đơn vị dẫn đầu về quản lý sản xuất kinh doanh, phong trào lao động sáng tạo và phát triển khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, để mãi mãi giữ sáng niềm tin trong nhân dân.
Phan Sáu