Trong bức tranh an sinh xã hội của Việt Nam, BHYT hiện lên như một chính sách nhân văn, mang sứ mệnh bảo vệ sức khỏe và giảm bớt gánh nặng tài chính cho hàng triệu người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và những địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Khi bệnh tật bất ngờ ập đến, BHYT không chỉ là giải pháp chia sẻ chi phí điều trị, mà còn là nguồn động lực giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đối với những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa hay các huyện nghèo, chính sách BHYT càng trở nên quan trọng. Tại đây, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, đời sống kinh tế bấp bênh, thu nhập không ổn định khiến việc tự chi trả chi phí KCB trở thành gánh nặng lớn. Trong bối cảnh đó, BHYT không chỉ là “phao cứu sinh” cho cá nhân người bệnh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Quỳnh Nhai (Sơn La)- một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử thuộc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, là một minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của BHYT tại những địa phương còn nhiều thách thức. Với dân số hơn 67.000 người, Quỳnh Nhai vẫn đang nỗ lực cải thiện các điều kiện kinh tế-xã hội để vươn lên mạnh mẽ, trong đó việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT là một nhiệm vụ trọng tâm.
Huyện Quỳnh Nhai hiện có 11 xã với 103 bản, trong đó chỉ có 4 xã thuộc vùng III được hưởng chính sách hỗ trợ cấp BHYT. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn người dân tại đây phải tự mua thẻ BHYT để đảm bảo quyền lợi KCB. Dù gặp không ít khó khăn trong công tác vận động, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Ông Ngô Quang Thành- Giám đốc BHXH huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Để nâng tỷ lệ bao phủ BHYT, chúng tôi đã thành lập 11 tổ tuyên truyền tại các xã, thường xuyên đến tận bản, hộ gia đình để vận động. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với những người có uy tín trong cộng đồng nhằm giúp bà con hiểu rõ giá trị thiết thực của chính sách BHXH, BHYT”.
Hằng năm, BHXH huyện tổ chức hơn 40 hội nghị tuyên truyền tại các bản và gần 100 buổi truyền thông nhóm nhỏ để gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân. Các nội dung về BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng được lồng ghép với chương trình phổ biến chính sách chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành BHXH Việt Nam, giúp người dân không chỉ nắm rõ quyền lợi mà còn thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ.
Ngoài ra, công tác truyền thông còn được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như phát bản tin bằng 3 ngôn ngữ (phổ thông, Thái, Mông), phát tờ rơi, treo băng rôn và phát loa truyền thanh tại cơ sở. Nhờ sự linh hoạt và kiên trì này, nhận thức của bà con về giá trị thiết thực của thẻ BHYT đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Mường Giàng, một trong những xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Quỳnh Nhai, là minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ trong việc thúc đẩy tỷ lệ bao phủ BHYT. Vì không thuộc diện được hỗ trợ cấp BHYT, xã đã phải triển khai mạnh mẽ các chương trình tuyên truyền và vận động người dân tự mua thẻ BHYT. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND xã, BHXH huyện và các đoàn thể, đến nay, Mường Giàng đã đạt tỷ lệ 95,2% dân số tham gia BHYT, một con số ấn tượng góp phần đưa xã đến gần hơn với mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.
Tại xã Chiềng Bằng, việc triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Người dân chỉ cần đóng hơn 379.000 đồng/người/năm để tham gia BHYT, một mức chi phí phù hợp với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, các cán bộ, công chức xã còn vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ mua hơn 100 thẻ BHYT cho bà con. Nhờ đó, xã đạt tỷ lệ trên 95% dân số tham gia BHYT, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.
Lợi ích thiết thực của BHYT được thể hiện rõ qua câu chuyện của ông Điêu Văn Thế (bản Quyền, xã Mường Chiên). Trước đây, ông Thế chủ quan không mua BHYT cho bản thân vì nghĩ mình còn khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bị đau khớp gối và phải điều trị thường xuyên, ông nhận ra gánh nặng tài chính khi không có BHYT. Sau khi tham gia BHYT, chi phí điều trị được hỗ trợ đến 80%, giúp ông an tâm hơn trong cuộc sống.
Tương tự, bà Tòng Thị Ban ở bản Đông, xã Chiềng Khoang, mắc bệnh cao huyết áp nhiều năm nay. Với thẻ BHYT, bà được khám bệnh định kỳ và cấp thuốc miễn phí tại Trạm Y tế xã. Bà Ban chia sẻ: “Nhờ có BHYT mà gia đình tôi không phải lo lắng nhiều về tiền thuốc men, mỗi lần khám bệnh ở bệnh viện cũng được hỗ trợ viện phí.”
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành BHXH và chính quyền địa phương đã giúp huyện Quỳnh Nhai đạt tỷ lệ bao phủ BHYT bình quân trên 92%, trong đó hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã Mường Giàng đạt trên 94%. Từ đầu năm 2023 đến nay, BHXH huyện đã giám định BHYT cho hơn 39.700 lượt người với tổng chi phí hơn 18,7 tỷ đồng, giảm bớt đáng kể gánh nặng tài chính cho các gia đình.
Thực tế đã chứng minh rằng, chính sách BHYT không chỉ mang lại lợi ích thiết thực về mặt kinh tế mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tại Quỳnh Nhai, những cán bộ làm công tác BHXH vẫn đang ngày đêm bền bỉ vận động, tuyên truyền, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. BHYT không chỉ là tấm thẻ bảo vệ sức khỏe mà còn là biểu tượng của sự quan tâm, chia sẻ từ chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, giúp mỗi người dân có thêm niềm tin và động lực để vươn lên trong cuộc sống.
PV