Sáng 2/1/2025, Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2023 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học "Giải pháp xử lý số tiền chậm đóng BHXH khó thu tại các đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn".
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp. Đề tài do Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ chủ trì; ông Nguyễn Hồng Cường- Phó Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ là chủ nhiệm Đề tài.
Báo cáo những nội dung cơ bản của Đề tài, ông Nguyễn Hồng Cường cho biết, mặc dù đã có các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, nhưng tình trạng chậm đóng, trốn đóng vẫn còn gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ, cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, mục tiêu cũng như chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.
Trong các báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ hàng năm, BHXH Việt Nam đều đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phương án xử lý chậm đóng BHXH tồn đọng kéo dài khó thu của các DN không còn hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ...
“Nhóm tác giải thực hiện nghiên cứu đề tài "Giải pháp xử lý số tiền chậm đóng BHXH khó thu tại các đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn nhằm đánh giá tình hình, thực trạng việc chậm đóng, trốn đóng BHXH tại các đơn vị SDLĐ, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình thu, sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, nâng cao mức độ hài lòng cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH”- ông Nguyễn Hồng Cường thông tin.
Đại diện nhóm tác giả cũng thông tin về tình hình chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2017-2022 và 10 tháng đầu năm 2023. Theo đó, số tiền chậm đóng tại thời điểm ngày 31/12 hàng năm đều thấp hơn so với số chậm đóng vào các tháng trong năm. Số tiền chậm đóng cuối năm thường là của khối DN và chậm đóng tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, có chủ bỏ trốn.
Trước tình trạng trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp xử lý số tiền chậm đóng BHXH khó thu tại các đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn. Trong đó, đề xuất sửa Luật BHXH và các quy định về pháp luật liên quan; các đề xuất về xử lý vi phạm, hướng dẫn phổ biến pháp luật BHXH, BH thất nghiệp, đôn đốc chủ SDLĐ, công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất xử lý số tiền chậm đóng khó thu và giải quyết quyền lợi về hưu trí, tử tuất; xử lý đối với tiền chậm đóng không có khả năng thu hồi; các quy trình xử lý số tiền chậm đóng BHXH khó thu…
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Theo đó, Đề tài đã nêu được thực trạng chậm đóng BHXH khó thu tại các đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn. Qua đó, đề xuất, kiến nghị xử lý số tiền chậm đóng BHXH khó thu, sửa đổi Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, góp phần hạn chế, ngăn chặn, xử lý số tiền chậm đóng BHXH nói chung và số tiền chậm đóng khó thu phát sinh hàng năm nhằm bảo đảm an toàn cân đối các quỹ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ.
Nhất trí với những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu ghi nhận tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. Đồng thời, yêu cầu Ban Chủ nhiệm tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài.
Hà Thủy