Chiều 13/12, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2023 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học Đánh giá các yếu tố kinh tế, xã hội tác động đến số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình theo vùng miền.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp. Đề tài do Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng chủ trì, bà Dương Ngọc Ánh- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng là Chủ nhiệm.
Báo cáo những nội dung cơ bản của Đề tài, bà Dương Ngọc Ánh cho biết, Với mục tiêu mở rộng bao phủ BHXH, BHYT toàn dân, những năm qua, chính sách BHXH, BHYT không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn đời sống, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. BHXH tự nguyện được chính thức triển khai từ năm 2008, nhưng phải đến khi Luật BHXH Sửa đổi năm 2014 được ban hành với nhiều quy định mới, nới rộng các điều kiện tham gia cũng như mở rộng quyền lợi hưởng, công tác phát triển BHXH tự nguyện mới đạt được những bứt phá mới.
Nếu như năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, cả nước chỉ có 6.000 người tham gia, giai đoạn 2008–2014, năm 2014 cả nước chỉ có 193.329 người tham gia BHXH tự nguyện, thì giai đoạn 2014–2022, cả nước có 1.462.000 người tham gia BHXH tự nguyện, gấp 7.56 lần so với giai đoạn trước đó; đến hết năm 2022, toàn quốc đã có 1,462 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, gấp 243,6 lần so với năm đầu tiên thực hiện, đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; tính đến hết tháng 8/2024, toàn quốc đã có 1,852 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ khoảng 4% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện– vượt 1,5% so với mục tiêu đề ra đến hết năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Cải cách chính sách BHXH.
Với chính sách BHYT hộ gia đình, dù hình thức BHYT hộ gia đình đã được triển khai từ năm 2005 theo Nghị định 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT, nhưng cũng phải đến năm 2014, khi Luật BHYT Sửa đổi, bổ sung được thông qua với quy định, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, tốc độ bao phủ BHYT mới thực sự có sự tăng trưởng vượt bậc. Số người tham gia BHYT hộ gia đình tăng từ 6,4 triệu người năm 2013 lên 21,3 triệu người vào năm 2022. Trong vòng 10 năm, số người tham gia BHYT hộ gia đình đã tăng 14.9 triệu người (gấp 3,33 lần). Tỷ lệ bao phủ BHYT nói chung cũng có sự tăng trưởng vượt trội, nếu năm 2013, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc mới chỉ đạt 68,8%, thì đến năm 2022, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 92,04%. Đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ bao phù BHYT đạt 93,5% dân số.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích số liệu tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo vùng miền, có thể thấy, cùng một thiết kế chính sách chung cho cả nước, nhưng khi triển khai thực hiện, cho kết quả rất khác biệt giữa các vùng kinh tế, không chỉ khác nhau về tốc độ gia tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình qua từng năm, mà ngay tại chính vùng kinh tế đó, tốc độ gia tăng theo các năm cũng khác nhau.
"Vì vậy, nghiên cứu các yếu tố kinh tế, xã hội tác động đến số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để từ đó đưa ra hệ giải pháp khắc phục các rào cản, thu hút được đông đảo người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đang là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn"- bà Dương Ngọc Ánh cho hay.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Theo đó, Đề tài đã đưa ra được lý luận chung về vùng, miền trên cả nước, các yếu tố kinh tế xã hội, đánh giá các yếu tố kinh tế xã hội. Đánh giá tác động của một số yếu tố kinh tế xã hội chủ yếu ảnh hưởng đến số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo vùng miền. Đồng thời, đề xuất các giải để tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo vùng miền.
Nhất trí với những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu ghi nhận tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. Đồng thời, yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài.
H.Thuỷ