Sáng 13/12, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2023 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học Giải pháp truyền thông về BHXH tự nguyện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Đề tài do BHXH tỉnh Bến Tre chủ trì, TS.Dương Văn Thắng- Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre làm Chủ nhiệm.
Thuyết minh các nội dung cơ bản của Đề tài, TS.Dương Văn Thắng- Chủ nhiệm Đề tài cho biết, theo số liệu thống kê đến 31/12/2023, tổng số người tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) khu vực ĐBSCL là 1.856.582 người, chiếm 19,4% tổng số lao động trong khu vực. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện khu vực này là 300.187 người, bằng 16,67% số người tham gia BHXH tự nguyện trong cả nước. Theo tính toán, khu vực ĐBSCL, riêng đối tượng cần vận động tham gia BHXH tự nguyện còn khoảng 8 triệu người, một tiềm năng rất lớn.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung vong về Cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lo động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đến hết năm 2023 số người tham gia BHXH trong cả nước là 18,259 triệu người; đạt 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, trọng tâm là phát triển BHXH, tiến tới BHXH toàn dân theo định hướng của Đảng là yêu cầu cấp thiết của cả nước. Đặc biệt, đối với khu vực ĐBSCL, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và tiềm năng BHXH tự nguyện rất lớn, với những nét đặc trưng riêng. BHXH tự nguyện là loại hình BHXH của Nhà nước không ép buộc, bắt buộc tham gia, nhận thức, thái độ và quyết định tham gia của họ phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó, công tác truyền thông có vai trò quan trọng hàng đầu.
Trên cơ sở các vấn đề lý luận, thực tin được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, đề xuất các giải pháp truyền thông tổng thể, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả về BHXH tự nguyện khu vục ĐBSCL; thiết thực đóng góp từng bước nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, tiến tới BHXH toàn dân theo định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Khảo sát, nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận về truyền thông BHXH tự nguyện khu vực ĐBSCL; làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp cần thiết, phù hợp, khả thi.
Khảo sát, đánh giá thực trạng công tác truyền thông về BHXH tự nguyện khu vực ĐBSCL; chỉ rõ hạn chế và nguyên nhân, làm căn cứ cho việc đề xuất giải pháp khắc phục. Đồng thời, để có thêm căn cứ, bài học xây dựng giải pháp, nghiên cứu đúc kết kinh nghiệm thực tiễn truyền thông BHYT toàn dân; đúc rút kinh nghiệm truyền thông về BHXH một số địa phương ngoài khu vực ĐBSCL; tham khảo kinh nghiệm truyền thông BHXH một số quốc gia phát triển.
Phân tích, tổng hợp các căn cứ khoa học từ cơ sở lý luận được xây dựng và từ thực trạng được khảo sát đánh giá, đề xuất các giải pháp truyền thông về BHXH tự nguyện khu vực ĐBSCL cần thiết triển khai áp dụng trong thời gian tới.
"Đề tài được tổ chức triển khai thực hiện sẽ ứng dụng đẩy mạnh truyền thông về BHXH tự nguyện không chỉ trong khu vực ĐBSCL, mà có thể lan tỏa trong cả nước; tích cực đóng góp thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH"- TS.Dương Văn Thắng cho biết.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Theo các thành viên Hội đồng, trên cơ sở các vẫn đề lý luận, thực tiễn đã được nhóm nghiên cứu triển khai nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, đề xuất các giải pháp từ đó có phương pháp truyền thông tổng thể, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả về BHXH tự nguyện khu vực ĐBSCL; thiết thực đóng góp từng bước nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, tiến tới BHXH toàn dân theo định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh ghi nhận tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. “Đây là một đề tài có tính thiết thực cao và rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH và chất lượng an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đối với người dân khu vực ĐBSCL theo đúng chủ trương của Đảng đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đồng tình với các ý kiến đóng góp trúng và đúng của các thành viên, đồng thời yêu cầu Ban Chủ nhiệm tiếp thu các ý kiến hoàn thiện Đề tài trong thời gian sớm nhất.
H.Thuỷ