Duy trì và phát triển bền vững số người tham gia BHXH là vấn đề then chốt nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, năm 2024, các cơ quan chức năng tiếp tục kiên trì triển khai nhiều giải pháp để giữ người lao động (NLĐ) ở lại hệ thống an sinh.
Theo BHXH Việt Nam, năm 2023, cả nước có hơn 18,26 triệu NLĐ tham gia BHXH, bằng 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,17% so với năm 2022. Đáng chú ý, số người tham gia tăng nhanh với nhóm lao động làm công việc tự do, đã mở ra cơ hội “vàng” cho hệ thống an sinh phát triển. Cụ thể, cả nước hiện có 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, bằng hơn 10% tổng số người tham gia BHXH và bằng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi- về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, hệ thống BHXH vẫn chưa phát triển bền vững, bởi trong năm qua, các cơ quan chức năng giải quyết hưởng BHXH một lần đối với hơn 1,1 triệu lượt người, tăng 23,73% so với năm 2022- cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, sau khi hưởng chế độ BHXH một lần, có nhiều trường hợp muốn tham gia lại nhưng không còn cơ hội. Bên cạnh đó, số người hưởng BH thất nghiệp tăng (năm 2023 có hơn 1,05 triệu người hưởng, tăng gần 80.000 người so với năm 2022), bởi đối tượng hưởng là NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc bị mất việc làm.
Theo dự báo, thị trường lao động, việc làm trong năm 2024 chưa thể phát triển đột phá, đồng nghĩa việc giữ NLĐ ở lại hệ thống an sinh vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, ngành LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực tạo ra nhiều việc làm mới, giúp những người bị ảnh hưởng việc làm sớm trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH.
Đơn cử, năm 2024, TP.Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho ít nhất 165.000 NLĐ. Để cung-cầu lao động gặp nhau, Hà Nội cần tổ chức tối thiểu 230 Phiên GDVL, với sự tham gia của nhiều DN, NLĐ. Đối tượng ưu tiên giới thiệu, tuyển dụng tại các Phiên GDVL là lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, thành phố cũng quan tâm duy trì việc làm cho nhóm NLĐ có nguy cơ mất việc, qua đó tăng hiệu quả phòng ngừa thất nghiệp, giúp NLĐ không phải rời hệ thống an sinh.
Dưới góc độ cơ quan thực hiện chính sách BHXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, toàn Ngành sẽ đặc biệt chú trọng bảo đảm quyền lợi cho người dân, DN, để mỗi người thấy rõ hơn tính ưu việt của chính sách, chủ động khắc phục khó khăn, ở lại hệ thống lâu dài. Mặt khác, cơ quan BHXH cũng sẽ tham mưu, đề xuất các cấp ủy, chính quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng việc làm. Bên cạnh đó, với nhóm NLĐ hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa có việc làm mới theo chế độ HĐLĐ, các bên tư vấn cho họ chuyển hình thức tham gia BHXH từ bắt buộc sang tự nguyện hoặc bảo lưu thời gian đóng, không nên rút BHXH một lần.
Để khắc phục những bất cập từ hệ thống chính sách, năm 2024, các cơ quan chức năng tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều để hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Theo Dự thảo, quy định về BHXH một lần có nhiều phương án linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo cơ chế hấp dẫn cho NLĐ yên tâm tham gia BHXH lâu dài. Thông qua việc áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hệ thống BHXH sẽ phát triển theo hướng bền vững, để đến cuối năm 2024, cả nước đạt mục tiêu 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; số người nhận chế độ BHXH một lần giảm dần...
Còn theo ông Nguyễn Đức Lộc- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, những nhà làm chính sách rất kỳ vọng NLĐ ở lại hệ thống BHXH, bởi đó là một trong những điểm tựa quan trọng cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, khi nhiều NLĐ còn quen với tập quán cũ, chúng ta cần cân nhắc thật kỹ việc sửa đổi chính sách để tránh ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội.
Theo đó, để đông đảo NLĐ nhận được lương hưu, cách duy nhất là “chốt” quy định chính sách ở thời điểm này và bắt đầu xây dựng một thế hệ tham gia BHXH mới với các nguyên tắc đóng-hưởng rõ ràng, minh bạch. Những người đã tham gia BHXH từ giai đoạn hiện tại về trước có thể chọn rút BHXH một lần hoặc tiếp tục ở lại theo nguyên tắc tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Cách làm này sẽ giữ được nguyên tắc công bằng xã hội, không có chuyện người trước được, người sau không được, gây ra sự hoang mang, bất ổn.
“Tuy vậy, để giải bài toán BHXH thì không thể chỉ mỗi ngành BHXH Việt Nam, mà cần nhìn tổng thể các mối quan hệ. Để bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ và hướng tới mô hình nhà nước phúc lợi, trước hết phải bảo đảm được việc làm bền vững, giúp NLĐ an tâm. Các cơ quan quản lý cần xem xét, coi tỷ lệ thất nghiệp như là một chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị công”- ông Lộc khẳng định.
Còn dưới góc độ chủ SDLĐ, ông Tô Hoài Nam- Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Luật BHXH (sửa đổi) sắp trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 5/2024 sẽ khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống BHXH để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại so với hưởng BHXH một lần. Đây cũng chính là quan điểm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua coi “BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội”.
Vũ Thu