Hyaluronic acid là một Glycosaminoglycan tự nhiên được tìm thấy trong mô liên kết, da, mắt, dịch khớp... Nó hoạt động như một lớp đệm, chất bôi trơn trong khớp và các mô khác.
Hyaluronic acid đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe làn da, xương, chữa lành vết thương... Hyaluronic acid có trong thành phần của nhiều loại kem bô dưỡng da, cung cấp dinh dưỡng cho các sợi collagen, ổn định sự đàn hồi và duy trì sự căng mọng của làn da đã được sử dụng cho mục đích thẩm mỹ.
Trong y tế, nó được sử dụng để điều trị giảm đau sau chấn thương và giúp giảm sưng nề. Đặc biệt, nó được dùng để tiêm vào khớp bổ sung dịch nhờn điều trị thoái hóa khớp. Kỹ thuật này được thực hiện ở cơ sở y tế bởi các thầy thuốc có kinh nghiệm, dưới hình ảnh siêu âm khớp để tránh các phản ứng không mong muốn do tiêm không đúng vị trí.
Hyaluronic acid có 3 dạng chính là:
Hyaluronic acid nguyên phân: Dạng Hyaluronic acid này có trọng lượng phân tử lớn nên không thể thẩm thấu qua da. Hyaluronic acid nguyên phân hoạt động trên biểu bì da và giữ ẩm tự nhiên cho da.
Sodium hyaluronate (Natri hyaluronate): Muối Natri của Hyaluronic acid có trọng lượng phân tử nhỏ hơn Hyaluronic acid nguyên phân, có thể tan hoàn toàn trong nước và thẩm thấu vào da.
Sodium acetylated hyaluronate là dẫn xuất của Sodium hyaluronate. Đây là dạng Hyaluronic acid có kích thước nhỏ nhất và có khả năng thẩm thấu sâu vào đáy biểu bì da, giúp giữ ẩm cho da tốt và lâu trôi.
Trên thị trường thuốc hiện nay có khá nhiều dạng thuốc có hoạt chất Hyaluronic acid được bào chế phù hợp với mục đích sử dụng. Có thể bổ sung Hyaluronic acid cho cơ thể bằng đường uống, đường tiêm, nhỏ mắt hoặc bôi ngoài da. Mỹ phẩm có thành phần hoạt chất Hyaluronic acid giúp làn da giữ ẩm tự nhiên, khỏe mạnh, mịn màng hơn và giữ cho làn da săn chắc, trẻ trung.
Nó cũng giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương. Sử dụng Hyaluronic acid ngoài da làm giảm kích thước vết thương và giảm đau cho bệnh nhân. Đặc biệt, nó làm giảm đau khớp, có tác dụng bôi trơn khớp và giảm ma sát giữa các đầu xương. Việc bổ sung Hyaluronic acid rất hữu ích đối với những người bị viêm xương khớp do thoái hóa.
Hyaluronic acid có khả năng giữ ẩm tốt được tìm thấy tự nhiên trong mắt. Vì vậy, Hyaluronic acid đã được ứng dụng để điều trị chứng khô mắt. Thuốc nhỏ mắt có chứa 0,2-0,4% Hyaluronic acid đã được chứng minh làm giảm các triệu chứng khô mắt và cải thiện sức khỏe của mắt. Ngoài ra, thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất Hyaluronic acid cũng được sử dụng trong phẫu thuật mắt để giảm viêm và tăng tốc độ chữa lành vết thương.
Tiêm chất nhờn vào khớp gối là thủ thuật tiêm acid Hyaluronic giúp tăng trọng lượng và nồng độ phân tử acid Hyaluronic nội sinh. Qua đó, các cơn đau nhức sẽ cải thiện và chức năng khớp dần được phục hồi. Khớp gối được coi là bình thường và khỏe mạnh chứa khoảng 2ml dịch khớp.
Acid Hyaluronic là một thành phần trong dịch khớp, có hàm lượng khoảng 2,5-4mg/ml, giúp bôi trơn các mô mềm, bao phủ trên lớp bề mặt sụn khớp và được tổng hợp bởi tế bào sụn. Acid Hyaluronic có tính nhớt và đàn hồi tùy theo lực tác động. Khi tác động một lực lớn, nó có tính đàn hồi, trong khi tác động lực nhẹ thì tương tự dầu bôi trơn, bảo vệ khớp.
Khi khớp thoái hóa, lượng acid Hyaluronic trong dịch khớp sẽ dần suy giảm. Với các trường hợp thoái hóa khớp gối, lượng acid Hyaluronic chỉ còn 1/2 đến 2/3 so với khớp gối khỏe mạnh. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng dịch khớp giảm độ nhớt, mất khả năng bảo vệ sụn khớp, tiến triển hủy hoại khớp.
Tiêm Hyaluronic vào khớp sẽ giúp ức chế cảm nhận đau, qua đó làm giảm đau, ức chế sinh tổng hợp PGE2, ngăn chặn tác dụng của cytokine, kháng viêm tốt. Nó cũng làm tăng hoạt tính men TIMP giúp ức chế sự thoái hóa của sụn khớp. Đồng thời, tiêm acid Hyaluronic còn có tác dụng kết nối những proteoglycan và giúp tăng sinh tổng hợp tế bào sụn khớp.
Acid Hyaluronic lưu trong khớp chỉ khoảng một tuần. Tuy nhiên, nó có thể duy trì tác dụng lên tới 6 tháng. Vì acid Hyaluronic có khả năng kích thích sản xuất acid Hyaluronic nội sinh, nên có hiệu quả tốt hơn so với thuốc tiêm nội khớp corticoid.
Nhìn chung, Hyaluronic acid khá an toàn khi sử dụng như một chất bổ sung với ít tác dụng phụ được báo cáo. Đây là thành phần tự nhiên trong cơ thể, do đó hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Hyaluronic acid trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú vẫn chưa được nghiên cứu kỹ, vì vậy các đối tượng này nên thận trọng và tránh bổ sung hoạt chất Hyaluronic acid.
Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy, các tế bào ung thư nhạy cảm với Hyaluronic acid và việc uống bổ sung hoạt chất Hyaluronic acid có thể khiến chúng phát triển nhanh hơn. Vì lý do này, người ta thường khuyên những bệnh nhân ung thư hoặc có tiền sử mắc bệnh ung thư nên tránh bổ sung Hyaluronic acid.
Tiêm Hyaluronic acid vào da hoặc khớp có nguy cơ tác dụng phụ cao hơn. Tuy nhiên, các phản ứng tiêu cực chủ yếu liên quan đến quy trình tiêm, hơn là do Hyaluronic acid. Nếu lạm dụng việc thoa Hyaluronic acid lên da, sử dụng quá liều lượng hướng dẫn cũng như không có biện pháp khoá ẩm phù hợp, thì có thể dẫn đến tình trạng mất nước ngược khiến da trở nên khô rát, bong tróc, nứt nẻ.
ThS.Lê Quốc Thịnh