Việt Nam hiện vẫn đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng; việc phòng, chống kháng thuốc đòi hỏi sự tham gia của các Bộ, Ngành, địa phương và toàn thể xã hội.
Thuốc kháng vi sinh vật- bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi-rút, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng là những loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng ở người, động vật và thực vật. Kháng thuốc xảy ra khi các vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc kháng vi sinh vật, làm cho bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Do đó, thuốc mất tác dụng và nhiễm trùng vẫn tồn tại trong cơ thể, làm tăng nguy cơ lây lan cho người khác. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Nhiều yếu tố đã đẩy nhanh mối đe dọa kháng thuốc trên toàn thế giới - bao gồm việc sử dụng quá mức và không hợp lý thuốc ở người, vật nuôi và nông nghiệp, cũng như khả năng tiếp cận kém với nước sạch và vệ sinh.
Có thể nói, kháng thuốc là một mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu, do đó cần phải hành động liên ngành khẩn cấp để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng lấy chủ đề Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4 là “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”, nhằm kêu gọi các quốc gia phải có kế hoạch kịp thời để đối phó với tình trạng kháng thuốc. Để đáp ứng với kháng thuốc tại Việt Nam, ngay từ năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Quyết định số 2174/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Ngày 25/09/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Căn cứ Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, căn cứ kết quả đạt được, khó khăn, khoảng trống khi triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch hành động Phòng chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025 với mục tiêu chung là: Làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong đó, đến năm 2025, đặt mục tiêu:
- Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, nhân viên thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc:
Tỷ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030 được UBND tỉnh phê duyệt và được cấp ngân sách để triển khai thực hiện đạt 100%.
Tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ đạt ít nhất là 50% và ở nhân viên y tế đạt ít nhất là 60%.
- Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật:
50% số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và tại mỗi tỉnh, thành phố ít nhất 01 bệnh viện tham gia; nâng cao năng lực cho 03 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về kháng thuốc và triển khai giám sát kháng thuốc của các vi sinh vật trong cộng đồng vào năm 2025.
Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc.
Báo cáo giám sát quốc gia về kháng thuốc được công bố hàng năm từ năm 2023.
- Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm:
Tỷ lệ các bệnh viện thiết lập chỉ tiêu và triển khai kế hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong bệnh viện; đánh giá tuân thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn sinh học đạt ít nhất 40%.
Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện kỹ thuật vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc đạt ít nhất 40% các bệnh viện trực thuộc các Bộ, bệnh viện tỉnh, thành phố; đạt ít nhất 15% các bệnh viện quận, huyện.
Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện việc triển khai giám sát chủ động nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế và triển khai các can thiệp làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn nà đạt ít nhất 50% các bệnh viện trực thuộc các Bộ, bệnh viện tỉnh, thành phố, đạt ít nhất 20% các bệnh viện quận, huyện.
Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.
Tỷ lệ các bệnh viện triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30%.
Thiết lập hệ thống giám sát quốc gia sử dụng và tiêu thụ kháng sinh ở người.
Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức gồm xây dựng tài liệu truyền thông phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng; xây dựng khung chương trình và nội dung bài giảng về kháng thuốc, kiểm soát và phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện trong các chương trình đào tạo cập nhật y khoa liên tục, lồng ghép vào chương trình đào tạo chính quy tại các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; tổ chức các hội thảo, buổi tọa đàm tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng, chống kháng thuốc; tổ chức các sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Thế giới Nâng cao nhận thức về phòng, chống kháng thuốc phù hợp với điều kiện thực tế hàng năm; tổ chức đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế về kỹ năng truyền thông phòng, chống kháng thuốc…
Tùng Anh