Thuốc chữa bệnh, sữa giả, thực phẩm, mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc vào Việt Nam rất nhiều bằng đường hàng không, đường biển, đường bộ, cửa khẩu cả chính ngạch và đường biên giới. Hành vi, phương thức vi phạm chủ yếu là khai sai về tên hàng, số lượng, sai về trị giá, sai về nguồn gốc xuất xứ; lợi dụng che giấu để buôn bán, vận chuyển trái phép qua đường biên, che giấu trên phương tiện xuất nhập cảnh.
Tại cuộc họp cuộc họp nghe báo cáo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái thời gian qua; phương hướng nhiệm vụ thời gian tới do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vừa qua, đại diện các bộ ngành chức năng phân tích các phương thức, thủ đoạn phổ biến như: lợi dụng thủ tục đơn giản với hàng hoá quá cảnh, chuyển cửa khẩu, loại hình miễn thuế đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất… để trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch, để buôn lậu, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, đối tượng tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Bùi Văn Khắng, thuốc chữa bệnh, sữa giả, thực phẩm, mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc vào Việt Nam rất nhiều bằng đường hàng không, đường biển, đường bộ, cửa khẩu cả chính ngạch và đường biên giới. Hành vi vi phạm những phương thức của các đối tượng này chủ yếu là khai sai về tên hàng, số lượng, sai về trị giá, sai về nguồn gốc xuất xứ; lợi dụng che giấu để buôn bán, vận chuyển trái phép qua đường biên, che giấu trên phương tiện xuất nhập cảnh.
Để chấn chỉnh tình trạng gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, đặc biết là thuốc, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… đại diện Bộ Y tế cho biết đã vào cuộc quyết liệt, triệt để, đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế và người có ảnh hưởng không tham gia hoạt động quảng cáo; đặc biệt khi xử lý vi phạm quảng cáo thì xử lý doanh nghiệp đăng ký quảng cáo, đơn vị tổ chức quảng cáo và người tham gia quảng cáo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: "Chúng tôi theo dõi thấy ngay trong ngành y tế các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà có kinh nghiệm trong lúc làm việc thì phản đối rất mạnh, nhưng sau đó tham gia quảng cáo trên các mạng xã hội. Vấn đề này, Bộ Y tế thống nhất đề nghị kêu gọi tất cả cán bộ, các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế đã công tác giờ nghỉ hưu thì không tham gia quảng cáo".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thời gian tới Bộ tập trung hoàn thiện pháp luật, tập trung xây dựng Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh hoạt động liên quan đến thương mại điện tử, đặc biệt là kiểm tra, xử lý triệt để hành vi vi phạm bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15 tháng 5 năm 2025 đến ngày 15 tháng 6 năm 2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.
Thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng, thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về kết quả đợt cao điểm của các đơn vị, lực lượng chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân; phê phán những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Bộ Công Thương cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số. Đồng thời, rà soát, kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại; sửa đổi Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa…
Bên cạnh đó, xây dựng chuyên đề xử lý triệt để các hành vi vi phạm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh việc triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Bộ sẽ xây dựng Đề án mới cho giai đoạn tiếp theo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2025.
Phối hợp với các địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương. Tăng cường công tác hậu kiểm, trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chia sẻ dữ liệu để có thể phòng ngừa, xử lý sớm các vi phạm; đánh giá rủi ro; tập trung triển khai rà soát, bám sát địa bàn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhất là các đối tượng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Hà Thủy