Vừa qua, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Thọ do bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với BHXH tỉnh Phú Thọ về việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn từ năm 2021 đến nay.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Văn Đông báo cáo kết quả thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cho người DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2024.
Theo đó, BHXH tỉnh với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT cho các nhóm người trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách BHYT đối với đồng bào DTTS gồm: Người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi là người dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2021-2024, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, số người DTTS được cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2021 là 132.631 người, với kinh phí 128 tỷ đồng; năm 2022 là 136.320 người, với kinh phí 107,3 tỷ đồng; năm 2023 là 137.941 người, với kinh phí đóng 121 tỷ đồng và đến tháng 6/2024 là 135.639 người, với kinh phí đóng 65,5 tỷ đồng. Số người DTTS có thẻ BHYT đã góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT cho người DTTS trên địa bàn trong thời gian qua được BHXH tỉnh, BHXH huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách, cấp thẻ BHYT đầy đủ; ngân sách cấp ứng kịp thời cho nhóm người DTTS thuộc diện được Ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia khi khám, chữa bệnh BHYT.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát và BHXH tỉnh đã trao đổi, thảo luận đồng thời đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc về công tác phát triển người DTTS tham gia BHYT tại các địa bàn, nhất là các xã ra khỏi vùng khó khăn, không còn được hỗ trợ mua BHYT. Tình trạng một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có thói quen dự phòng, chia sẻ rủi ro, chỉ tham gia BHYT khi bản thân bị bệnh nặng, gây áp lực cho quỹ BHYT...
Trong khi đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT. Các cơ sở KCB đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực trong công tác KCB, tuy nhiên chất lượng KCB cho người có thẻ BHYT có lúc còn chưa đáp ứng, làm hạn chế việc khai thác, phát triển người tham gia BHYT.
Tham gia đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Lâm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Ngọc yêu cầu các sở, ngành, các cơ quan liên quan triển khai kịp thời các chính sách pháp luật về BHYT, đảm bảo tăng các quyền lợi BHYT cho người dân, người DTTS.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương và ngành BHXH trong việc thực hiện, triển khai chính sách BHYT nói chung và đối với đồng bào DTTS nói riêng. Trưởng đoàn Giám sát đề nghị các sở, ngành phối hợp với cơ quan BHXH tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của người đồng bào DTTS; Phối hợp với ngành Y tế nâng cao hiệu quả quản lý và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân nói chung, người DTTS nói riêng tiếp cận với chính sách BHYT và các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Mở rộng mạng lưới Tổ chức dịch vụ và nhân viên thu BHXH, BHYT rộng khắp để người dân dễ dàng tiếp cận và đăng ký tham gia BHYT.
Trước đó, Đoàn Giám sát cũng đã có buổi làm việc về thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2021 đến nay tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Theo báo cáo, giai đoạn 2021 đến nay, việc triển khai công tác BHYT đối với người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Tân Sơn gặp nhiều khó khăn do có 6 xã khu vực II chuyển xuống khu vực I dẫn đến có khoảng 13.447 người ngừng cấp thẻ BHYT- đối tượng người DTTS thuộc diện ngân sách Nhà nước đóng. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vẫn duy trì ở mức cao trên 96%.
Hiện toàn huyện có 321 nhân lực, trong đó 68 bác sỹ làm công tác KCB tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ 7,4 bác sỹ/1 vạn dân với 307 giường bệnh phục vụ điều trị nội trú, đạt tỷ lệ 33,3 giường/vạn dân. Từ năm 2021 đến nay, tổng số lượt KCB tại các trạm y tế xã và TTYT huyện là 306.744 lượt người với số tiền đề nghị thanh toán là 159,4 tỷ đồng. Trong chương trình giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã kiểm tra thực tế tại Trạm Y tế xã Tam Thanh và xã Vinh Tiền.
Tại buổi làm việc, huyện Tân Sơn cùng các sở, ngành liên quan đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc về công tác phát triển người DTTS tham gia BHYT tại các địa bàn, nhất là địa bàn mới ra khỏi vùng khó khăn do người dân còn tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có thói quen dự phòng, chia sẻ rủi ro, không muốn bớt một phần thu nhập để tham gia BHYT, chỉ tham gia BHYT khi bản thân bị bệnh nặng, gây áp lực cho quỹ BHYT...
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tân Sơn trong việc thực hiện, triển khai chính sách BHYT đối với đồng bào DTTS. Đồng thời, đề nghị huyện Tân Sơn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người DTTS trên địa bàn có ý thức tự giác tham gia BHYT.
Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các ban, ngành quan tâm, rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để bổ sung thay thế các trang thiết bị y tế đã xuống cấp ở tuyến cơ sở giúp người dân có thêm nhiều cơ hội được KCB; làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu quản lý, giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện thủ tục và tạo điều kiện tối đa cho người dân tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT, BHXH.
Hà Thủy