Mới đây, ông Chea Kim Eng (71 tuổi, bệnh nhân người Campuchia) đã được bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City (CIH) can thiệp kịp thời và phối hợp chuyên môn đa khoa, giúp bàn chân của ông đã được giữ lại.
ThS.BS. Trần Quốc Thành- Giám đốc Điều hành Bệnh viện Quốc tế City cùng kíp bác sĩ điều trị thăm hỏi, chúc mừng bệnh nhân hồi phục.
Theo chia sẻ từ gia đình, trước đó ông Eng từng được phẫu thuật cắt bỏ ba ngón chân (ngón 3-4-5) tại một bệnh viện khác do chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng. Tuy nhiên, vết mổ không lành, hoại tử tiếp tục lan rộng, đe dọa tới các ngón còn lại. Gia đình quá lo lắng đã chuyển ông Eng đến Bệnh viện Quốc tế City; khi nhập viện, tình trạng của ông còn dịch ứ đọng ở 3 ngón chân đã bị cắt cụt, ngón chân thứ 4 của bệnh nhân đã chuyển màu đen, đau nhức dữ dội và có nguy cơ phải đoạn toàn bộ bàn chân.
Bác sĩ nhận định, trước đó do không được chẩn đoán sớm, bệnh nhân từ chỗ có một vết loét nhỏ đã đến hoại tử 3 ngón chân vì tắc động mạch chi dưới. Không chỉ bị hoại tử, bệnh nhân còn đang trong tình trạng nhiễm trùng lan rộng, nóng rát từ bàn chân lên tới cẳng chân, giật cơ liên tục khiến ông mất ngủ và kiệt sức. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị đái tháo đường- yếu tố góp phần nghiêm trọng hóa tiến trình hoại tử.
Kết quả siêu âm doppler mạch máu chi dưới tại Bệnh viện Quốc tế City đã hé lộ nguyên nhân gốc rễ. Bệnh nhân bị xơ vữa gây tắc hoàn toàn 1/3 dưới động mạch đùi nông và kèm tắc hoàn toàn động mạch chày trước, chày sau, khiến máu không thể nuôi dưỡng mô mềm ở bàn chân, điều mà bệnh viện trước đó chưa phát hiện.
Nhận định đây là một ca hoại tử phức tạp với nguy cơ đoạn chi cao, chuyên gia Bệnh viện Quốc tế City đã nhanh chóng tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa: Tim mạch- Nội tiết- Thần kinh- Chấn thương chỉnh hình, để xây dựng phác đồ điều trị khẩn cấp, toàn diện.
Ngày 19/6/2025, ông Eng được can thiệp tái thông mạch máu: khoan phá mảng xơ vữa gây tắc hoàn toàn động mạch đùi nông và tái thông động mạch chày trước, đồng thời đặt stent mở đường máu xuống tận bàn chân. Đây là bước then chốt giúp mô hoại tử không lan rộng thêm và mở ra hy vọng bảo tồn chi.
Ba ngày sau, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ mô hoại tử, tạo hình mỏm cụt và khâu vết thương, đảm bảo tính thẩm mỹ và phục hồi chức năng sau này.
Sau gần hai tuần được chăm sóc tích cực, đến nay tình trạng hoại tử của ông Eng được kiểm soát. Vết thương lành tốt, không còn dấu hiệu nhiễm trùng, tuần hoàn chân trái cải thiện rõ rệt, ông đã có thể đi lại nhẹ nhàng và xuất viện.
BS.CKI. Lê Văn Tuyến- Khoa Tim mạch Bệnh viện Quốc tế City chia sẻ, trường hợp này là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời các bệnh lý mạch máu ở người lớn tuổi có đái tháo đường.
“Chúng tôi rất vui vì đã giữ được bàn chân cho bệnh nhân và cải thiện đáng kể chất lượng sống cho ông. Bởi lẽ, việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến hậu quả nặng nề: hoại tử, đoạn chi, thậm chí tử vong” BS. Tuyến nhấn mạnh.
Sông Trà