Từ năm 2016, thực hiện Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 5/1/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Từ đây, hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã có những bước chuyển tích cực như: ổn định cơ cấu tổ chức từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện các quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra trong toàn hệ thống; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong triển khai nghiệp vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao...
Tính từ năm 2016 đến nay, toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp thanh tra, kiểm tra tại 185.213 đơn vị. Qua đó, đã yêu cầu truy thu hơn 1.468 tỷ đồng tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT; kiến nghị thu hồi trên 95 tỷ đồng về quỹ BHXH, trên 23 tỷ đồng về quỹ BHTN và hơn 1.078 tỷ đồng về quỹ BHYT. Đồng thời đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 5.571 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền xử phạt trên 237 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn trong giai đoạn này là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHTN, và kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, chi trả BHTN, chế độ BHYT. Theo đó, từ năm 2016, Vụ Thanh tra- Kiểm tra (nay là Thanh tra BHXH Việt Nam) đã bắt đầu có một số ứng dụng để xử lý dữ liệu được kết xuất từ các phần mềm nghiệp vụ. Đến năm 2017, sau khi BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện Phần mềm Thu và Quản lý sổ, thẻ (TST) và Hệ thống Thông tin giám định BHYT, cách làm này được đẩy mạnh hơn. Hằng năm, trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam tiến hành rà soát, phân tích dữ liệu nghiệp vụ của 63 tỉnh, thành phố làm căn cứ xây dựng định hướng công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành; lựa chọn các đơn vị đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam và giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra cho BHXH các tỉnh, thành phố theo từng nhóm đối tượng có nội dung nghiệp vụ quản lý còn hạn chế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật… được phát hiện qua rà soát, phân tích dữ liệu nghiệp vụ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được các đoàn thanh tra, kiểm tra triển khai ở hầu hết các bước, chủ yếu tập trung ở bước chuẩn bị và tiến hành thanh tra, kiểm tra. Thay vì tiến hành thủ công, đến nay, việc so sánh, đối chiếu số liệu đã được thực hiện bằng các giải pháp công nghệ. Trên cơ sở dữ liệu về thu, sổ thẻ, giải quyết chính sách, chi phí khám chữa bệnh BHYT… và thông tin, tài liệu đối tượng thanh tra, kiểm tra cung cấp qua thư điện tử, đoàn thanh tra, kiểm tra đã rà soát, phân tích trước để khoanh vùng, cảnh báo, phát hiện những trường hợp sai sót hoặc có dấu hiệu vi phạm, từ đó xác định trọng tâm, trọng điểm thanh tra, kiểm tra... Việc kết hợp giữa phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống và phương pháp “điện tử” vừa rút ngắn thời gian thanh tra, vừa tăng khối lượng và nâng cao hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã triển khai Phần mềm Quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra phiên bản 1.0. Ngành cũng đã hoàn thành việc xây dựng Bộ Tiêu chí Nhận diện hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT (gồm 121 dấu hiệu nhận diện) gửi các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Phần mềm nhận diện hành vi vi phạm và Phần mềm thanh tra, kiểm tra để đưa vào áp dụng trong toàn Ngành.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, việc ứng dụng CNTT, xử lý CSDL trong công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành đã giúp giảm thời gian làm việc trung bình so với phương pháp thủ công truyền thống. Riêng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động, phương pháp mới đã giúp giảm 22,8% thời gian làm việc của đoàn thanh tra, kiểm tra và 49,6% thời gian làm việc của đối tượng được thanh tra, kiểm tra.
Thực hiện Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Quyết định số 216/QĐ-BHXH ngày 23/2/2024 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, từ ngày 1/3/2024, Vụ Thanh tra- Kiểm tra được đổi tên thành Thanh tra BHXH Việt Nam.
PV