Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí The Lancet (Anh), Mỹ hiện có gần 75% người trưởng thành bị thừa cân hoặc béo phì, tăng mạnh so với mốc 50% được ghi nhận năm 1990.
Người trưởng thành thừa cân là những người từ 25 tuổi trở lên, có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức trên 25. Người trưởng thành béo phì có BMI ở mức trên 30.
Nhóm tác giả cho biết, BMI là một thước đo không hoàn hảo, có thể không nắm bắt được sự khác biệt trong cấu trúc cơ thể của toàn bộ dân số nhưng xét từ góc độ khoa học, BMI có tương quan với các thước đo khác về lượng mỡ trong cơ thể và là một công cụ thiết thực để nghiên cứu chỉ số này ở cấp độ toàn dân.
Theo nghiên cứu, không những số người thừa cân hoặc béo phì tại Mỹ tăng lên mà tình trạng này ngày càng trẻ hóa, dẫn tới gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim và suy giảm tuổi thọ. Các tác giả đã ghi nhận tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng ở mọi lứa tuổi, đáng lo ngại nhất ở nhóm trẻ em với 33% đang thừa cân hoặc béo phì. Nếu cứ đà như hiện nay, số người thuộc diện này sẽ tiếp tục tăng cao, lên tới khoảng 260 triệu người vào năm 2050.
Tờ New York Times đánh giá kết quả nghiên cứu trên có ý nghĩa sâu rộng và hữu ích đối với việc hoạch định chính sách chi trả phí khám chữa bệnh cũng như những phí tổn liên quan khi nước Mỹ đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng về các bệnh liên quan cân nặng.
Tình trạng béo phì ở Mỹ đang trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ người trưởng thành béo phì tăng đáng kể trong những thập niên qua, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế.
Báo cáo của CDC Mỹ cho thấy người dân nước này phải đối mặt với chứng béo phì theo thời gian. Năm 1960, khoảng 31,5% người trưởng thành Mỹ thừa cân; đến năm 2017, thời điểm gần nhất được CDC Mỹ theo dõi, con số này là 30,3%. Cũng vào năm 1960, Mỹ ghi nhận 13,4% người trưởng thành bị béo phì và 0,9% bị béo phì nghiêm trọng; đến năm 2017 tăng lần lượt lên khoảng 42,8% và 9,6%.
Theo CDC Mỹ, cái giá mà bệnh béo phì gây ra cho nền kinh tế nước này là rất lớn, khiến hệ thống y tế quốc gia thiệt hại gần 173 tỷ USD mỗi năm.
Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, chứng ngưng thở khi ngủ và một số bệnh ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, béo phì có thể trở thành "dịch bệnh" khi xã hội ngày càng phát triển.
Trên toàn thế giới, theo một phân tích được tạp chí The Lancet công bố hồi cuối tháng 2, hơn 1 tỷ trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành đang sống chung với bệnh béo phì. Ước tính trước đây của Liên đoàn Bệnh béo phì thế giới cho rằng sẽ có 1 tỷ người béo phì vào năm 2030, nhưng Tiến sĩ Majid Ezzati- tác giả chính của phân tích và là giáo sư tại Imperial College London khẳng định con số đó đã bị vượt qua vào năm 2022.
Ngọc Tuấn