Với vai trò là Ngân hàng Thương mại Nhà nước chủ lực trên thị trường tài chính, Agribank đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm lãi suất cho vay trong năm 2024. Đây là nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chính sách này phản ánh sự nhất quán đối với định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.
Trong bối cảnh áp lực thanh khoản rất lớn từ thị trường, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, Agribank đã điều hành tài sản/nợ phải trả linh hoạt chủ động, tập trung vào việc cơ cấu, đa dạng hóa nguồn vốn, đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn có chi phí thấp như tiền gửi CASA, tiền gửi ngắn hạn, tiền gửi USD…
Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh
Bên cạnh đó, Agribank đã thực hiện giảm lãi suất niêm yết đối với cả tổ chức và cá nhân tại hầu hết các kỳ hạn. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, Agribank đã điều chỉnh tăng lãi suất niêm yết kỳ hạn ngắn hạn nhưng kết quả lãi suất đầu vào các tháng 10, tháng 11 vẫn tiếp tục giảm do đã thực hiện cơ cấu tăng tỷ trọng nguồn vốn kỳ hạn ngắn hạn.
Kết quả lãi suất huy động vốn bình quân của Agribank 11 tháng đầu năm 2024 đã giảm 1,3%/năm so với đầu năm, trong khi tổng nguồn vốn huy động vẫn đảm bảo tăng trưởng ổn định theo kế hoạch, thanh khoản hệ thống ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Cùng với giảm chi phí đầu vào, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí khác: tập trung thu hồi nợ xấu, khai thác và quản lý tài sản hiệu quả, nâng cao năng suất lao động (tối ưu hóa hoạt động nội bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ), kiểm soát chặt chẽ chi phí thường xuyên… để dành nguồn lực, điều kiện tối đa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Từ đầu năm đến nay, Agribank đã 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,0%-2,5%/năm- mức giảm cao hơn nhiều so với mức giảm của lãi suất huy động. Theo đó, đến 30/11, lãi suất cho vay bình quân của Agribank đã giảm khoảng 1,5%/năm so với đầu năm- giảm sâu hơn so với tốc độ giảm bình quân toàn hệ thống ngân hàng (0,96%/năm). Hiện nay sàn lãi suất cho vay thông thường của Agribank chỉ từ 5,0%/năm đối với ngắn hạn và từ 7,0%/năm đối với trung dài hạn.
Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng và đoàn công tác thăm hỏi, nắm bắt tình hình thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi)
Agribank đồng thời thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay cho các đối tượng theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và mục tiêu kế hoạch của Agribank. Theo đó, Agribank thực hiện cho vay trung, dài hạn phục vụ đầu tư phát triển với mức lãi suất cố định đến 24 tháng chỉ từ 5,5%/năm; triển khai đa dạng chương trình tín dụng ưu đãi tổng quy mô 250.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 2%-3%/năm so với lãi suất thông thường dành cho đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu…; thực hiện vai trò ngân hàng chủ lực trong triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ…
Gần đây nhất là Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Agribank là ngân hàng chủ lực triển khai cho vay trong giai đoạn thí điểm từ nay đến hết năm 2025 và tiếp tục triển khai chương trình đến hết năm 2030, hỗ trợ giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng theo từng đối tượng khách hàng, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững…
Cũng trong năm 2024, Agribank đã giảm trực tiếp lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và phát sinh từ ngày 26/3 của 1,6 triệu khách hàng với tổng dư nợ được giảm lãi suất lên đến 170.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ giảm lãi gần 1.000 tỷ đồng.
Không chỉ đồng hành phát triển sản xuất kinh doanh, trong những giai đoạn khó khăn của người dân, doanh nghiệp, Agribank luôn là Ngân hàng tiên phong triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ. Trước những thiệt hại nặng nề của khách hàng do siêu bão số 3 và lũ lụt vừa qua, Agribank đã nhanh chóng triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với hơn 21.000 khách hàng, tổng dư nợ trên 16.000 tỷ đồng; cho vay mới ưu đãi lãi suất hơn 2.300 khách hàng, tổng dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng…
Trong thời gian tới, Agribank cam kết tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đẩy mạnh tiết giảm chi phí và giảm lãi suất cho vay. Trên cơ sở bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, Agribank không ngừng đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PV