Chiều 9/12, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2022 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học Nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận BHXH tự nguyện đối với người lao động khu vực Tây Nguyên.
Đề tài do Viện Khoa học BHXH chủ trì, bà Lê Thị Quế- Phó Viện trưởng Viện Khoa học BHXH làm Chủ nhiệm.
Trình bày tại cuộc họp, bà Lê Thị Quế cho biết, Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng- an ninh và đối ngoại của cả nước, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Dân số tính đến cuối năm 2020 là 5,93 triệu người (chiếm 6,0% dân số cả nước), cơ cấu 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có nhiều thay đổi; công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực, người tham gia BHXH, BHYT tăng theo từng năm. Tuy nhiên, chỉ số tham gia BHXH, BHYT khu vực Tây Nguyên còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, bao gồm cả BHXH tự nguyện.
Thực hiện chủ trương củng cố và tăng cường hệ thống an sinh xã hội khu vực Tây Nguyên, BHXH 5 tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp phát triển mở rộng diện bao phủ BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, chú trọng đào tạo nhân viên cho các tổ chức dịch vụ tại các địa phương để mở rộng mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền BHXH. Tính đến cuối năm 2022, khu vực Tây Nguyên có khoảng 76.095 người lao động tham gia BHXH tự nguyện, bình quân toàn khu vực chiếm khoảng 3,026% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Vì vậy, để tìm ra các giải pháp để thúc đẩy người lao động khu vực Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện, đưa chính sách BHXH tự nguyện đi vào thực tiễn, cần nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận BHXH tự nguyện của người lao động khu vực này. Qua đó giúp luận giải những nguyên nhân cản trở người lao động quyết định tham gia BHXH tự nguyện, giúp tháo gỡ phần nào những khó khăn, vướng mắc căn bản trong quá trình tiếp cận BHXH tự nguyện của người lao động. Từ đó hiện thực hóa những chiến lược và chính sách phát triển an sinh xã hội tại khu vực Tây Nguyên.
Xuất phát từ những lý do trên, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận BHXH tự nguyện đối với người lao động khu vực Tây nguyên” là hết sức cần thiết, có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận lẫn thực tiễn.
"Kết quả nghiên cứu của đề tài giúp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách đề xuất những giải pháp tháo gỡ đưa người lao động khu vực Tây Nguyên tham gia vào hệ thống BHXH tự nguyện, góp phần tăng cường đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực và thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững, kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại", bà Lê Thị Quế nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá đây là Đề tài có tính mới, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ. Đề tài cũng đã làm rõ được mặt lý luận, đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận BHXH tự nguyện đối với người lao động khu vực Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp, gợi mở một số nội dung để nhóm nghiên cứu có thể bổ sung, hoàn thiện Đề tài, để việc áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng đề hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
H.Thuỷ