Khi dùng thuốc chống nôn, nếu thấy có những triệu chứng bất thường, phải dừng thuốc ngay và báo cho bác sĩ.
Nôn là một phản xạ của cơ thể để tống thức ăn trong dạ dày lên thực quản rồi trào ra miệng. Trong nhiều trường hợp, người ta còn phải gây nôn để giải độc cho cơ thể khi bị ngộ độc thực phẩm, say rượu... Nôn cũng là triệu chứng của nhiều bệnh cảnh khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân gây ra nôn
Một số trẻ nhỏ hay nôn (trớ) do đặc điểm của bộ máy tiêu hóa chưa hoàn thiện, thường liên quan tới ăn uống, có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần.
Nôn cũng có thể là một biểu hiện của nhiều bệnh về tiêu hóa như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột hoại tử, viêm ruột thừa, trào ngược.
Một số bệnh do nhiễm khuẩn tại đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm phổi), hoặc các bệnh tại hệ thần kinh trung ương (như viêm não, viêm màng não) cũng gây nôn.
Trẻ em gái đến tuổi dậy thì cũng có thể hay bị nôn do thay đổi hệ thống nội tiết. Phụ nữ có thai bị "ốm nghén" với biểu hiện nôn và/hoặc buồn nôn nhiều khi rất trầm trọng phải xử trí ở bệnh viện.
Một số thuốc khi uống vào gây kích ứng đường tiêu hoá cũng làm nhiều người buồn nôn và nôn như thuốc trị ung thư, các kháng sinh, một số thuốc có mùi vị khó uống...
Tình trạng ngộ độc thực phẩm có biểu hiện thường gặp nhất là nôn.
Ngoài ra, những phản ứng gây hại của một số thuốc hoặc dùng quá liều thuốc trị động kinh, quá liều digoxin đều có thể bị nôn.
Nôn còn là biểu hiện thường thấy ở một số người do di chuyển trên các phương tiện giao thông rất phổ biến mà ta hay gọi là say tàu xe, say khi đi máy bay…
Một số thuốc chống nôn thường dùng
Domperidone (Motilium M, Modom-S...): Thuốc điều chỉnh rối loạn chức năng tiêu hóa: ngăn chặn Dopamin ngoại biên, làm thay đổi chức năng dạ dày ruột nên có tính chống nôn dùng trị triệu chứng buồn nôn, nôn, cảm giác chướng và nặng bụng, khó tiêu sau bữa ăn do thức ăn chậm xuống ruột, trào ngược dạ dày thực quản.Thường dùng dưới dạng viên nén, thuốc cốm sủi bọt dành cho người lớn; hỗn dịch uống dành cho trẻ em, trẻ còn bú. Vì thuốc chuyển hóa qua gan, thận nên phải hết sức thận trọng khi dùng cho người suy gan, thận.
Gần đây, người ta phát hiện thấy Domperidon gây hiện tượng xoắn đỉnh (cơn nhịp tim nhanh có thể gây đột tử) nhất là khi dùng chung với một số thuốc như erythromycin, clarithromycin. Đây là thuốc chống nôn do sự phối hợp của tác động ngoại biên (kích thích nhu động ruột, làm tăng lực co thắt một số cơ giúp thức ăn không chạy ngược trở ra miệng) và ức chế vùng cảm ứng truyền tín hiệu về trung tâm nôn ở não. Thuốc này hay được dùng phối hợp với một vài thuốc khác trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày- thực quản.
Metoclopramide: Trên thị trường có nhiều tên thương mại khác nhau, hay dùng như Primperan, là thuốc có tác dụng chống nôn mạnh, có loại chỉ dùng cho người lớn (như gastrobid 15mg), có loại thuốc giọt (dành cho trẻ sơ sinh), có loại thuốc đạn (dành cho trẻ em). Thuốc tác động trực tiếp ngay trung tâm gây nôn ở não nên được dùng để điều trị một số dạng nôn nặng, do điều trị ung thư bằng hóa trị liệu hoặc nôn sau phẫu thuật. Thuốc làm dạ dày rỗng nhanh và giảm trào ngược từ tá tràng và dạ dày lên thực quản nên được sử dụng như một thuốc hỗ trợ nhu động khi bị trào ngược dạ dày- thực quản hoặc ứ đọng dạ dày.
Metoclopramide chống chỉ định đối với trẻ động kinh vì có thể làm cơn động kinh nặng hơn và mau hơn. Thận trọng dùng metoclopramide đối với trẻ bệnh hen do có thể tăng nguy cơ co thắt phế quản. Cần lưu ý liều dùng của metoclopramide là rất nhỏ chính vì vậy đã có những trường hợp quá liều do tự ý dùng thuốc này vì vậy chỉ sử dụng khi có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.
Diphenylhydramin (Nautamin):
Thuốc chống say xe hay dùng. Thuốc này làm tăng nhãn áp (không dùng cho người glaucome góc hẹp), làm tăng tác dụng các thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kháng histamin, các thuốc kháng cholinergic khác (nên khi dùng thuốc không được uống rượu, dùng chung với các loại thuốc trên). Thuốc được chuyển hóa ở gan, thận (nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già). Không nên dùng cho người có thai, đang cho con bú. Thận trọng khi bị bệnh hen suyễn, các rối loạn đường hô hấp dưới, cường tuyến giáp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tắc nghẽn dạ dày ruột, đường tiết niệu. Để có hiệu quả chống nôn, chống say xe thì phải uống trước khi lên tàu xe khoảng một giờ. Nếu cuộc hành trình kéo dài, phải uống nhắc lại.
Không nên tự ý dùng thuốc chống nôn
Việc sử dụng các thuốc chống nôn có thể làm che lấp triệu chứng của bệnh nguy hiểm, hoặc làm cho người dùng thuốc bị những tác dụng phụ của các thuốc chống nôn gây ra. Vì vậy cần xác định được nguyên nhân khiến cho người đó bị nôn và loại trừ được các bệnh lý nguy hiểm mà nôn chỉ là một biểu hiện để có hướng dùng thuốc thích hợp. Nếu bệnh nhân nôn nhiều sẽ bị mất nước và các chất điện giải nên phải cho bù lại bằng thức ăn lỏng hoặc các dung dịch bù nước như Oresol, Hydrite.Khi đang dùng thuốc chống nôn, nếu người bệnh thấy có những triệu chứng bất thường thì phải dừng thuốc ngay và báo cho bác sĩ.
Do thuốc chông nôn làm tăng nhu động ruột nên nếu dùng liều không thích hợp dễ gây rối loạn tiêu hoá và không được dùng thuốc khi bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa, tắc ruột cơ học. Không nên sử dụng thuốc chông nôn thường xuyên hoặc dài ngày. Thận trọng khi sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi.
ThS.Lê Quốc Thịnh