Sau hơn 4 năm triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đã có hơn 460 trạm y tế tuyến xã và 14 trung tâm y tế huyện được nâng cấp, xây mới; 1.703 trạm y tế được cung cấp thiết bị y tế theo nhu cầu đạt tiêu chuẩn, 97% cán bộ y tế các trạm tuyến xã trên được đào tạo và nâng cao chuyên môn.
Sáng nay (6/12), tại Hà Nội, Bộ Y tế, Ngân hàng Thế giới và các đối tác cùng phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" là minh chứng cho nỗ lực hợp tác quốc tế cùng hướng tới tầm nhìn và mục tiêu chung là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan và các đối tác quốc tế đồng hành cùng Bộ Y tế triển khai dự án
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu có vai trò rất quan trọng, được xem là nền tảng của Hệ thống y tế của mọi quốc gia. Hệ thống y tế Việt Nam, nhờ sự sẵn có cùng sự vận hành tương đối hiệu quả của Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp, có được lợi thế mang tính nền tảng so với Hệ thống y tế của nhiều quốc gia có thu nhập trung bình. "Chúng ta có thể khẳng định những thành tựu quan trọng nhất của Hệ thống y tế Việt Nam trong những năm qua đều gắn chặt với những nỗ lực của Mạng lưới y tế cơ sở. Chính vì vậy, đầu tư phát triển Mạng lưới y tế cơ sở luôn được Đảng, Chính phủ và Ngành y tế Việt Nam coi là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Thời gian qua, nhiều chính sách chiến lược đã được ban hành, có thể kể đến Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2017, Quyết định 2348/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Chỉ thị 25-CT/TW năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới,… Điều này cho thấy Việt Nam cam kết với quyết tâm chính trị rất cao cho việc phát triển Mạng lưới y tế cơ sở.
Cùng với đó, Việt Nam đang hết sức nỗ lực mở rộng không gian hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt tại những khu vực khó khăn về kinh tế xã hội. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng vốn viện trợ không hoàn lại của một số tổ chức quốc tế đã cho thấy nỗ lực hợp tác quốc tế cùng hướng tới tầm nhìn và mục tiêu chung; đó là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Đây cũng đồng thời được xem là lựa chọn tối ưu giúp Việt Nam hiện thực hóa Mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.
"Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện triển khai dự án, sau nhiều thời gian mong chờ, ngày hôm nay, vào thời khắc này, chúng ta có thể tự hào khẳng định, với nỗ lực chung của Bộ Y tế, các Bộ ngành liên quan, các tỉnh dự án cùng cộng đồng nhà tài trợ, dự án đã được thực hiện thành công, trên một số khía cạnh ngoài sự mong đợi"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" được ký kết và có hiệu lực từ tháng 5/2020, dự kiến kết thúc vào 31/12/2024. Kết quả đánh giá dự án cho thấy dự án đã đạt được toàn bộ các mục tiêu phát triển trong khung thời gian đã cam kết, nhiều kết quả đạt được vượt mức kỳ vọng. Dự án cũng linh hoạt phát triển thêm một số hoạt động can thiệp mới, có tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
"Những kết quả đạt được này càng ấn tượng hơn, xét trong bối cảnh có nhiều thách thức tưởng như không vượt qua nổi trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là tác động rất nghiêm trọng, vượt ngoài mọi dự báo của đại dịch Covid-19"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bà Caryn Bredenkamp- Giám đốc chương trình y tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới, đánh giá cao kết quả dự án và bày tỏ vinh hạnh của Ngân hàng thế giới là đối tác đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai dự án này. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, các can thiệp dự án đã và sẽ mang lại những lợi ích rất quan trọng cho cộng đồng dân cư cũng như hệ thống y tế tại 13 tỉnh dự án như: cải thiện sự tiếp cận của người dân, đặc biệt các nhóm dân cư dễ bị tổn thương tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, có chất lượng với chi phí thấp qua đó góp phần cải thiện thực trạng sức khỏe người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của Mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh dự án. Nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế của các địa phương tham gia dự án, đặc biệt là tính tự chủ, khả năng điều phối và thực hiện đồng bộ các can thiệp cốt lõi. Một số can thiệp mang tính sáng tạo của dự án còn có vai trò thử nghiệm thực địa, mở đường, gợi ý cho việc hoàn thiện khung chính sách đối với y tế cơ sở trong thời gian tới.
"Để đạt được kết quả này, Bộ Y tế ghi nhận những đóng góp rất lớn từ nhiều bên liên quan, đó là các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, không chỉ đóng vai trò là bên cung cấp vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại mà còn rất tích cực và hiệu quả trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ quản trị và mở rộng không gian kết nối"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Theo đó, các Bộ ngành đã quan tâm hỗ trợ Bộ Y tế rất tích cực ngay từ giai đoạn chuẩn bị Dự án cũng như trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án. Lãnh đạo UBND các tỉnh thực hiện Dự án đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành trong tỉnh hỗ trợ các thủ tục đầu tư, tháo gỡ những khó khăn một cách kịp thời. Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Bộ Y tế ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc vượt qua khó khăn của các đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án tại Trung ương và 13 tỉnh dự án với đồng hành của các Vụ Cục Viện của Bộ Y tế và Sở Y tế.
Trong phát biểu tại hội nghị, bà Caryn Bredenkamp- Giám đốc chương trình y tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương đã chúc mừng Bộ Y tế vì nỗ lực tuyệt vời đã đạt được, đặc biệt trong triển khai dự án này đã mang lại sự khác biệt đặc biệt ấn tượng cho người dân vùng sâu, vùng xa trong công tác chăm sóc sức khoẻ. Điểm lại những thành tựu, kết quả của dự án, bà Caryn Bredenkamp cho biết, trong điều kiện có một số khó khăn đặc thù nhưng án đã giải ngân được hơn 90% ngân sách dành cho dự án, hoàn thành gần như toàn bộ các mục tiêu đề ra.
"Với sự hỗ trợ của dự án đã có 76% trạm y tế xã đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu ban đầu là 67% đạt chuẩn. Thông qua việc xây dựng mới 129 trạm y tế, cai tạo hơn 300 trạm, gần như 1.600 trạm y tế được cấp trang thiết bị mới, gần 800 nghìn người dân được sàng lọc, khám, theo dõi bệnh không lây nhiễm tại cơ sở; hơn 11.000 nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn..."- bà Caryn Bredenkamp nói.
Bà Caryn Bredenkamp cũng đồng thời ghi nhận nỗ lực của các tỉnh tham gia dự án và bày tỏ niềm vui khi biết thông tin cả 13 tỉnh tham gia dự án được tập huấn về bộ công cụ bảng điểm chất lượng cho trạm y tế… với tỷ lệ 59%, vượt xa nhiều chỉ tiêu ban đầu là 25%. "Ngân hàng thế giới vinh hạnh là đối tác đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai dự án này"- bà Caryn Bredenkamp.
Hà Hùng