Chiều 4/12, tại Hà Nội, Hội đồng sáng kiến BHXH Việt Nam họp xét đề nghị công nhận sáng kiến, hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng tại các đơn vị chuyên môn trực thuộc BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, việc xét công nhận sáng kiến phải bảo đảm các điều kiện đặt ra tính mới, tính khả thi và hiệu quả áp dụng. Những sáng kiến được áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, đồng thời việc xét công nhận sáng kiến cũng là điều kiện để xét các danh hiệu thi đua và thực hiện các quy định mới của Nhà nước, ngành BHXH về công tác thi đua, khen thưởng.
Tại cuộc họp, Hội đồng đã bình xét 169 giải pháp từ 17 đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam. Các giải pháp được xét công nhận sáng kiến cơ sở phải được công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng tại cơ sở của sáng kiến thuộc các đơn vị chuyên môn và xét công nhận hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng trong toàn Ngành, toàn quốc của sáng kiến theo Quy định của nhà nước và quy chế xét công nhận sáng kiến, công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến trong ngành BHXH Việt Nam.
Theo Quy chế xét công nhận sáng kiến, công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến trong ngành BHXH Việt Nam, giải pháp được công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện có tính mới. Trong đó, một giải pháp được coi là có tính mới trong phạm vi xem xét nếu tính đến trước ngày nộp đơn đề nghị xét công nhận sáng kiến hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu, Không trùng với nội dung của giải pháp trong hồ sơ nộp trước; chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được; không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến; chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.
Bên cạnh đó, giải pháp phải mang tính khả thi, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao và điều kiện thực hiện nhiệm vụ của cơ sở và đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở và có khả năng phổ biến rộng rãi trong phạm vi xem xét. Ngoài ra, giải pháp phải có tính hiệu quả khi có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế hoặc lợi ích xã hội.
H.Thủy