Hệ thống lương hưu của Trung Quốc đang chịu áp lực lớn. Dân số già đi nhanh chóng trong khi tỷ lệ sinh giảm có nghĩa là số người mong nhận được các khoản thanh toán nhiều hơn trong khi số người làm việc và đóng góp cho hệ thống ít đi.
Kênh CNA dẫn trường hợp của người tên là Xianggui cho biết mỗi tháng cô trích 1/5 trong tổng thu nhập 10.000 nhân dân tệ chuyển vào quỹ hưu trí của bố mẹ. Giống như nhiều người trưởng thành độc thân và không có anh chị em ruột, cô gái 29 tuổi này là người cung cấp tài chính duy nhất cho cha mẹ, cả hai đang ở độ tuổi 50.
Xianggui bắt đầu dự trù cho tương lai khi thấy cha mẹ mình chỉ nhận được khoảng 300 nhân dân tệ mỗi tháng nghỉ hưu và hy vọng sẽ tiết kiệm được ít nhất 200.000 nhân dân tệ trong 10 năm tới. Cô gần như không còn tiền cho kế hoạch cá nhân. Cô từng lên kế hoạch mua nhà với chồng chưa cưới ở Thành phố Hợp Phì nhưng phải hoãn để hỗ trợ gia đình. Họ cũng dời thời gian kết hôn vì chồng sắp cưới của Xianggui cần làm việc thêm vài năm nữa để tiết kiệm.
"Lương hưu hằng tháng của bố mẹ tôi quá thấp, điều này khiến tôi vô cùng lo lắng. Là con một, toàn bộ gánh nặng đổ lên đầu tôi", Xianggui chia sẻ.
Trường hợp của Xianggui là tình trạng khó khăn chung mà nhiều "gia đình một con" ở Trung Quốc phải đối mặt. Hệ thống lương hưu nước này đang chịu áp lực lớn vì tình trạng dân số già hóa nhanh trong khi tỷ lệ sinh suy giảm, đồng nghĩa số người về hưu tăng và số người trong độ tuổi lao động giảm.
Chính sách tăng tuổi hưu từ tháng 1/2025 của chính phủ Trung Quốc được đánh giá là một bước đi đúng hướng nhưng chưa đủ, và nước này còn phải hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ hệ thống hưu trí quốc gia.
Theo CNA, Trung Quốc xếp thứ 31 thế giới về hệ thống lương hưu trong số 48 quốc gia, theo Chỉ số Hưu trí Toàn cầu của Viện Mercer CFA năm 2024, đạt 56,5 điểm với hạng C tổng thể- cao hơn một chút so với mức 55,3 mà nước này đạt được vào năm ngoái. Tuy nhiên, nước này lại nhận về điểm D cho tính bền vững, cho thấy những lo ngại về khả năng cung cấp đủ thu nhập hưu trí và duy trì tài chính lâu dài của hệ thống.
Theo thống kê chính thức, hệ thống lương hưu của Trung Quốc bao phủ hơn 1,07 tỷ người trên toàn quốc. Nhưng theo giới phân tích, mặc dù được phủ sóng rộng rãi, sự khác biệt về mức chi trả giữa các tầng lớp lao động vẫn rất lớn. Chỉ có khoảng 503 triệu người- một nửa trong số hơn 1.07 tỷ người, được coi là đủ điều kiện hưởng các kế hoạch hưu trí đô thị hào phóng. Khoản thanh toán trung bình hàng tháng cho người lao động thành thị và chủ doanh nghiệp lên tới khoảng 3.326 nhân dân tệ so với chỉ 179 nhân dân tệ mà người lao động và người dân ở các khu vực nông thôn được hưởng.
"Nông dân và những người di cư từ nông thôn ra thành thị là thiệt thòi nhất trong hệ thống lương hưu vì hầu hết đều đăng ký vào chương trình cư trú với mức trợ cấp thấp nhất", CNA dẫn lời Tiến sĩ Huang Xian thuộc Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Rutgers (Mỹ) nhận xét.
Tuổi thọ trung bình ở Trung Quốc đã tăng lên 78 vào năm 2021, từ mức 44 tuổi vào năm 1960 và dự kiến sẽ vượt 80 tuổi vào năm 2050. Thành phần dân số trên 60 tuổi của nước này dự kiến sẽ đạt 297 triệu người vào năm 2023, chiếm hơn 20% dân số. Tỷ lệ dự kiến đạt 52% vào năm 2100, tức một nửa dân số là người cao tuổi. Giáo sư xã hội học Dudley L Poston Jr, Đại học Texas A&M (Mỹ) cho rằng sự mất cân bằng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Hiện mỗi người cao tuổi Trung Quốc được hỗ trợ bởi gần 3 người đang làm việc, và đến năm 2100, con số này chỉ còn 0,69 người.
Quan điểm sinh con và nuôi con để được chăm sóc khi về già vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ. Và áp lực càng đè nặng lên thế hệ một con, những người chịu trách nhiệm gánh vác tài chính khi bố mẹ về hưu.
"Chăm sóc bố mẹ là giá trị gia đình cốt lõi của người Trung Quốc và một số quốc gia châu Á", bà Zongyuan Zoe Liu, thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu Maurice R Greenberg, nói.
Ngọc Tuấn