Những năm qua, Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đến chính sách tái chế nhựa, nhận được sự khen ngợi từ cộng đồng quốc tế.
Thông tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết, tỷ lệ tái chế rác thải nhựa của quốc gia này đạt 73%- đây là một con số khá ấn tượng, khi biết ở Mỹ chỉ là 5% đến 6%.
Một trạm tái chế nhựa đã đóng cửa ở Asan (Hàn Quốc) tích tụ khoảng 19.000 tấn rác thải nhựa chưa qua xử lý
MIT Technology Review ghi nhận Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hiệu suất tái chế tốt nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia châu Á duy nhất lọt vào TOP10 Bảng xếp hạng Chỉ số Tương lai Xanh 2022. Tuy nhiên, một số nhà môi trường, nhà quản lý rác thải nghi ngờ tỷ lệ tái chế do Hàn Quốc cung cấp chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế, vì “có thể chỉ tính rác thải nhựa trong các thùng tái chế, chứ không biết liệu rác thải sau đó sẽ được xử lý triệt để hay không”. Lý giải việc này, Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, mỗi quốc gia có định nghĩa, phương pháp tái chế và thống kê rác thải khác nhau, gây khó khăn cho việc tiến hành đánh giá thống nhất.
Tuy nhiên, theo nguồn tin Chính phủ, lượng rác thải nhựa ở Hàn Quốc tăng từ 9,6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022. Như vậy, tăng 31% trong 3 năm, một phần do bao bì thực phẩm, quà tặng và các mặt hàng khác, đặc biệt là các mặt hàng trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhựa một lần do phát triển dịch vụ giao hàng trực tuyến cũng làm gia tăng một lượng lớn rác thải nhựa. Nếu không có quy trình xử lý hợp lý, sẽ có nhiều hệ lụy.
Chẳng hạn, vào trung tuần tháng 11/2024, khoảng 19.000 tấn rác thải nhựa chưa qua xử lý tích tụ tại một trạm tái chế nhựa đã đóng cửa ở ở Asan (Hàn Quốc). Cơ quan chức năng cho biết, việc dọn dẹp sẽ tiêu tốn từ 2 tỷ đến 3 tỷ won (khoảng 34,48 tỷ đồng đến 51,7 tỷ đồng), song đơn vị sở hữu được cho là không có khả năng chi trả chi phí. Vào năm 2050, lượng rác thải nhựa toàn cầu, trong đó có Hàn Quốc, không được xử lý đúng quy trình có thể lên tới 121 triệu tấn.
Tùng Anh (Theo Seoul General News)