Phần lớn những người tham gia một cuộc khảo sát mới ở Đức bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm trẻ em và thanh thiếu niên dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.
Hãng Deutsche Welle đưa tin, sau khi Quốc hội Australia thông qua luật cấm sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2025, YouGo- công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế có trụ sở ở Anh đã tiến hành thăm dò ý kiến ở Đức về một luật tương tự. Kết quả cho thấy 77% trong số khoảng 2.000 người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ hoàn toàn hoặc một phần luật này, trong khi chỉ 13% ý kiến không đồng tình và số còn lại chưa đưa ra câu trả lời.
Cũng theo khảo sát, có tới 82% số người được hỏi hoàn toàn chắc chắn hoặc khá chắc chắn rằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội theo một cách nào đó có hại cho trẻ em và thanh thiếu niên. Một số người coi nội dung trên các nền tảng truyền thông xã hội là nguyên nhân gây hại, và nhiều người khác nghĩ phương tiện truyền thông xã hội có thể gây nghiện. Theo khảo sát, khoảng 52% tin cả hai yếu tố đều đóng vai trò như nhau. Mặc dù vậy, có 9% chắc chắn hoặc khá chắc chắn rằng phương tiện truyền thông xã hội không gây hại cho sức khỏe của những người trẻ tuổi.
Kết quả khảo sát tại Đức phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của phụ huynh và cộng đồng trước những rủi ro mà mạng xã hội mang lại cho trẻ em.
Quốc hội Australia, hôm 29/11, đã thông qua luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên nước này sử dụng mạng xã hội từ cuối năm 2025. Đây là luật đầu tiên trên thế giới về việc này, được thông qua với sự ủng hộ của cả 2 đảng lớn ở quốc gia châu Đại Dương, với 102 phiếu thuận so với 13 phiếu chống ở Hạ viện và 34 phiếu thuận so với 19 phiếu chống tại Thượng viện.
Điều đó có nghĩa là tại Australia, bất kỳ ai dưới 16 tuổi sẽ bị chặn sử dụng các nền tảng bao gồm TikTok, Instagram, Snapchat và Facebook, một động thái mà Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese và Liên đảng đánh giá là cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của trẻ em.
"Chúng ta cần đặt ưu tiên cho an toàn và hạnh phúc của thế hệ trẻ", Thủ tướng Albanese nhấn mạnh.
Theo luật mới, các công ty truyền thông xã hội có thể bị phạt tới 50 triệu AUD (33 triệu USD) nếu không thực hiện "các biện pháp hợp lý" để những người dưới 16 tuổi tránh xa các nền tảng của họ. Các nền tảng được nhắc tên có ít nhất 12 tháng để tự phát triển công nghệ phù hợp phục vụ lệnh cấm. Tuy nhiên, để bảo vệ thông tin cá nhân người dân, quốc hội cấm tuyệt đối việc sử dụng giấy tờ tùy thân cho mục đích xác định tuổi tác.
Trao đổi với Bloomberg, Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram và Threads) cho biết dự kiến dùng trí tuệ nhân tạo để phát hiện những trường hợp gian lận độ tuổi.
Dù luật mới tại Australia còn gây tranh cãi, nhiều người cho rằng đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ thế hệ trẻ khỏi các tác động tiêu cực từ công nghệ.
Theo các chuyên gia, trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương trước các nội dung độc hại, bao gồm bạo lực, xâm phạm quyền riêng tư, và những tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế thường xuất hiện trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc dành quá nhiều thời gian trên các nền tảng này cũng có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến kết quả học tập, giấc ngủ và các mối quan hệ xã hội của trẻ.
Ng. Tuấn