Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) vừa kêu gọi số tiền viện trợ 1,4 tỷ USD cho năm 2025 nhằm triển khai các chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và ngăn ngừa bạo lực giới cho hơn 45 triệu phụ nữ và trẻ em gái.
Giám đốc Điều hành của UNFPA Natalia Kanem cho biết, tại các vùng xung đột và thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái đang đối mặt với rủi ro nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng và hạnh phúc, và họ gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ cần thiết. Do đó, UNFPA kêu gọi cộng đồng quốc tế đầu tư vào y tế và hỗ trợ bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái chịu ảnh hưởng của khủng hoảng, góp phần xây dựng một tương lai không còn nỗi sợ hãi và bạo lực.
UNFPA đề ra 2 ưu tiên chính trong năm 2025, bao gồm tăng cường phản ứng cả ở cấp địa phương và cấp quốc gia, cùng khả năng ứng phó khẩn cấp. Theo UNFPA, trong năm 2024, quỹ đã chuyển 35% ngân sách viện trợ nhân đạo cho các tổ chức địa phương và tổ chức do phụ nữ lãnh đạo. UNFPA đang xây dựng kế hoạch tăng tỷ lệ này lên 43% trong năm 2025.
UNFPA sẽ tăng cường khả năng ứng phó sớm thông qua việc mở rộng nguồn cung thiết yếu tại các cơ sở trên khắp thế giới, đảm bảo hành động nhanh chóng khi xảy ra khủng hoảng.
Theo báo cáo hồi cuối tháng 11 do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) phối hợp thực hiện trong năm 2023, cứ 10 phút trôi qua lại có một phụ nữ hoặc trẻ em gái bị bạn trai hoặc người thân sát hại.
Báo cáo cho biết, trong năm 2023, thế giới ghi nhận 85.000 phụ nữ và trẻ em gái đã bị giết hại một cách có chủ ý. 60% trong số đó, tương đương 51.100 vụ, là do bạn trai hoặc người thân trong gia đình gây ra. Dữ liệu cho thấy 140 phụ nữ và trẻ em gái thiệt mạng mỗi ngày do nguyên nhân nói trên, tức là cứ 10 phút trôi qua lại có một phụ nữ hoặc một trẻ em gái bị tước đoạt mạng sống.
Tính theo khu vực địa lý, trong năm 2023, châu Phi ghi nhận tỷ lệ phụ nữ bị giết hại ở mức cao nhất. Tiếp theo là châu Mỹ và sau đó là châu Đại Dương. Ở châu Âu và châu Mỹ, hầu hết trường hợp phụ nữ thiệt mạng do bạn trai giết hại, lần lượt với tỷ lệ là 64% và 58%, trong khi ở những khu vực khác, người thân trong gia đình là thủ phạm chính.
Giám đốc điều hành UN Women Sima Bahous nhấn mạnh sự cần thiết áp dụng những khuôn khổ luật pháp mạnh mẽ hơn, cải thiện việc thu thập dữ liệu, tăng cường trách nhiệm giải trình của chính phủ, cùng nhau hành động để tạo ra một nền văn hóa không khoan nhượng với bạo lực giới và tăng nguồn tài trợ cho các tổ chức và cơ quan hoạt động nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ.
Theo người đứng đầu UN Women, đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần đoàn kết và khẩn trương hành động, tái cam kết và tập trung các nguồn lực cần thiết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.
Hoàng Dương