Các giải pháp truyền thông đang được BHXH tỉnh Đắk Lắk thực hiện mạnh mẽ, tạo nguồn lực phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
BHXH tỉnh Đắk Lắk hiện đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để triển khai giải pháp truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bao gồm cả truyền thông trực tiếp hoặc qua phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn.
Tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách BHXH tự nguyện
Cụ thể, phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương thực hiện tin, bài, phóng sự, video clip về BHXH, BHYT; duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục BHXH- Ngôi nhà chung trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk; Chính sách BHXH- BHYT trên Báo Đắk Lắk. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh, trên mạng xã hội Fanpage, Zalopage của BHXH tỉnh; duy trì số lượng, tần suất phát thanh trên hệ thống loa cơ sở về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tích cực hỗ trợ, giải đáp, tư vấn người dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia và giải quyết hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Chủ động phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, Tổ chức dịch vụ thu tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân. Tổ chức các hội nghị tuyên truyên chính sách đến nhóm người là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại các xã, thị trấn chưa tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, đã tổ chức 44 hội nghị với 2.469 người tham dự, lũy kế từ đầu năm tổ chức 254 hội nghị với 15.983 người tham dự. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên truyền Luật BHXH, Luật BHYT, pháp luật Lao động với 200 NLĐ tham dự.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT các tháng cuối năm 2024. Theo đó, yêu cầu rà soát, tổ chức thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh để đẩy mạnh công tác tham mưu, tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã; các Sở, ban, ngành; các cơ quan thông tấn, báo chí trong truyền thông, vận động người tham gia BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Yêu cầu Phòng Truyền thông, BHXH các huyện, thị xã chủ động lựa chọn hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp với đặc điểm dân cư, thu nhập, ngành nghề của từng nhóm chủ thể để tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên nền tảng Internet, mạng xã hội; tiếp nhận đầy đủ các phản ánh, kiến nghị của người dân về chính sách BHXH, BHYT để kịp thời tư vấn, giải đáp, đảm bảo quyền lợi thụ hưởng cho người tham gia.
“BHXH tỉnh lưu ý các đơn vị phải chú trọng các hình thức hội nghị đối thoại trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ đến tận thôn, buôn, xã, phường; thực hiện tin, bài, phóng sự trên báo, đài địa phương; phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở tại các xã, phường, thị trấn, kết hợp tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng, bao gồm Kinh, Êđê, Mnông”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Minh Đạt