Cho ý kiến Dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, sáng 20/8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần phải đánh giá đúng thực trạng và hiệu quả việc sử dụng nguồn nhân lực…
Báo cáo Dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, mục đích giám sát nhằm đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân…; từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.
Cũng theo ông Vinh, phạm vi giám sát tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội XIII của Đảng đến nay)...
Thống nhất với cách đặt vấn đề của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Đoàn giám sát cần tập trung sâu vào vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để phát hiện được những mặt mạnh, những việc làm được trong thời gian vừa qua; đồng thời thấy được mặt hạn chế đối với vấn đề này. Từ đó, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về các địa phương đến giám sát, Kế hoạch đưa ra rất hợp lý khi tiến hành giám sát trực tiếp tại chính địa phương theo tiêu chí đại diện cho các vùng, miền, là hạt nhân, cực tăng trưởng và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng, trung tâm phát triển mới, sử dụng nhiều lao động, địa bàn khó khăn, tập trung đồng bào DTTS.
Về Đề cương báo cáo kết quả giám sát, cần có sự phân tích, dự báo đặt ra cho nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp. Bởi, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đầy đủ, nhưng vừa qua có sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp, nhất là sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương hay không thì lần giám sát này phải chỉ rõ và đặt ra nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, cần phải nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện, nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện? Lý do vì sao đây là những vấn đề dư luận xã hội và nhân dân quan tâm. “Ai cũng có gia đình, cũng có con em đi học, thì đều mong muốn học, đào tạo xong là có việc làm, phục vụ cho đất nước, phục vụ cho nhân dân, nhưng thực tế vừa qua như thế nào thì phải xem xét kỹ vấn đề này"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, số liệu qua giám sát phải đầy đủ, đưa ra được một “bức tranh” tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước ta hiện nay; đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới; đồng thời nêu rõ các kiến nghị, đề xuất đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm...
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục và Tổ giúp việc tổ chức buổi làm việc cụ thể với các bộ, ngành có liên quan để thống nhất về nội dung chuyên môn của Đề cương giám sát; hoàn thiện Kế hoạch giám sát, Đề cương giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Trưởng Đoàn giám sát ký ban hành, bảo đảm đúng tiến độ.
Nguyệt Hà