Chiều tối 20/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban TVQH với ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024).
Báo cáo tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy ban TVQH đã tổ chức cuộc gặp mặt thân tình, ấm áp với các ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
“Đây là sự kiện có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn đối các ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, sáng ngày 20/11, tại phiên thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Nhà giáo đã có rất nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận của đại biểu Quốc hội. “Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm của các ĐBQH đại diện cho cử tri và Nhân dân cả nước tới dự án Luật có ý nghĩa thiết thực, quan trọng đối nhà giáo và sẽ tác động sâu sắc tới đội ngũ nhà giáo khi được thông qua và ban hành”. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của tất cả các đại biểu để có những điều chỉnh phù hợp theo hướng Luật nếu được ban hành sẽ đạt được những mục tiêu tích cực mà dự án Luật đang hướng tới về phát triển lực lượng nhà giáo, đồng thời đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các ĐBQH và cử tri cả nước.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi đến các ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và toàn thể các thầy giáo, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay có nhiều sự kiện đặc biệt. Trong đó, ngày 18/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội; ngày 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu. Sáng nay, 20/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Luật Nhà giáo với nhiều ý kiến thể hiện sự tri ân, ghi nhận, tôn vinh, tôn trọng với những quy định mới tốt hơn đối với nhà giáo.
Cùng với sự chăm lo của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của toàn xã hội, đội ngũ nhà giáo đã có bước phát triển lớn mạnh, với nhiều nhà giáo giỏi, tận tâm với nghề. Trong hơn 1,6 triệu giáo viên đang công tác có 6.000 giáo sư và phó giáo sư, 60.000 người có trình độ tiến sỹ. Các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã nỗ lực, sáng tạo đóng góp to lớn cho sự nghiệp “trồng người”, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo. “Quốc hội qua các nhiệm kỳ luôn có nhiều ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, riêng nhiệm kỳ khóa XV có 115 ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Với sự tâm huyết, yêu nghề và am hiểu thực tiễn sâu sắc, các ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có đóng góp lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo”- Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, chúng ta không khỏi trăn trở, suy tư khi việc thể chế hoá một số chủ trương của Đảng về nhà giáo chậm được ban hành; hệ thống pháp luật có liên quan tới nhà giáo còn rườm rà, phức tạp với 248 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới nhà giáo đã được ban hành và đang có hiệu lực pháp lý; chính sách chăm lo, phát triển cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn cũng còn nhiều bất cập; cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều; tình trạng, thừa thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi, chưa được giải quyết căn cơ... Trong giai đoạn tới, chất lượng của nguồn nhân lực tiếp tục đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi các biện pháp vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. “Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan, các địa phương tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng; có chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo; tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm đời sống để nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhà giáo; chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng, thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp, tôn sư trọng đạo, quan tâm đào tạo người thầy tốt để có người trò tốt; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để chăm lo cho các thế hệ học sinh. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội mong muốn “mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò; không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn”.
Với kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, các ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ tiếp tục đóng góp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; giám sát việc tổ chức thực hiện của hệ thống chính quyền các cấp cũng như đóng góp vào các quyết định quan trọng của đất nước…
V.Thu