Chính phủ dự kiến năm 2025 tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.
Trình bày tóm tắt Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 sáng 9/10 tại phiên họp của Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt. Chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD so với mục tiêu 4.700- 4.730 USD) do biến động tỷ giá. Tuy nhiên, nếu tính theo VND, tại thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2024, mục tiêu GDP bình quân đầu người là khoảng 112 triệu đồng; ước thực hiện năm 2024 là khoảng 123 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế- xã hội cũng còn hạn chế như ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; vừa phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ; vừa phải đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh… Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI…
Chính vì vậy, từ nay đến hết năm, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới; tập trung xử lý, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế vướng mắc kéo dài; thành lập Tổ công tác để khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại các tỉnh, thành phố và các dự án vướng mắc, tồn đọng khác. Khẩn trương xử lý các kiến nghị về giá đất trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai cũng là những giải pháp được Bộ trưởng đề cập.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, năm 2025 dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5- 7% và và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7- 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31- 33 thế giới về quy mô GDP (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến hết năm 2023, GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới). GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3- 5,5%... Chính phủ xác định, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Để thực hiện thành công kế hoạch, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức, theo dõi, thi hành pháp luật. Tổ chức triển khai tích cực các dự án luật (sửa đổi) và các dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư công, đầu tư, quy hoạch, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kế toán, kiểm toán độc lập, chứng khoán, quản lý thuế…
Năm 2025 cũng là năm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tập trung vào Chính phủ số, xã hội số, công dân số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tận dung tối đa nguyên liệu vì đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai; phát huy hiệu quả vai trò của các tổ công tác, ban chỉ đạo để rà soát, tổng hợp các dự án, đất đai đang gặp vướng mắc, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý…
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về tình hình lao động, việc làm, BHXH, BH thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm trước song chủ yếu nói đến số người mà chưa nói đến tỷ lệ trên tổng dân số; tỷ lệ tham gia BHXH, BH thất nghiệp, tỷ lệ lao động trên mẫu số trong độ tuổi số lao động nào. Bởi các nghị quyết đều nói đến tỷ lệ mà đây lại nói đến số người. Bên cạnh đó, lĩnh vực việc làm vẫn tồn tại như tỷ lệ lao động phi chính thức đi làm rất cao, chiếm tỷ trọng lớn, trong khi chủ trương đang chính thức hóa lao động phi chính thức. “Ngoài ra, đến nay Chính phủ vẫn ban chưa ban hành hướng dẫn việc hoàn trả tiền cho người dân KCB BHYT phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y thế theo quy định tại Nghị quyết số 109/2023 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề chất vấn cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT và gây bức xúc trong dư luận”- bà Thúy Anh nêu.
V.Thu