Ngày đầu tiên của cúp Champions League thể thức mới đã chính thức khép lại, 6 cặp đấu tạo ra những cơn mưa bàn thắng. Theo thống kê, đã có tổng cộng 28 bàn thắng được ghi trong 6 trận, đạt trung bình 4.3 bàn/trận. Các CĐV có cảm xúc gì? Vui. Còn các cầu thủ? Có vui và buồn, và mỗi nỗi e ngại từ sâu thẳm tâm trí.
Liệu có thực sự đình công?
Trong tuần lễ mà Manchester City bắt đầu cuộc chinh phạt Champions League mới bằng cuộc đối đầu với Inter Milan, tiền vệ ngôi sao Rodri đã bất ngờ đẩy câu chuyện sang một hướng khác. Khi được hỏi liệu có khả năng các cầu thủ sẽ đình công hay không, Rodri đáp: "Vâng, tôi nghĩ chúng tôi sắp đạt được điều đó. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác. Đó là điều khiến chúng tôi lo lắng".
Cuộc tranh luận về lịch thi đấu bóng đá đã kéo dài, nhưng lời nói của Rodri như một thời khắc đáng chú ý. Vậy đâu là lý do khiến các cầu thủ như Rodri phẫn nộ? Các cầu thủ, ít nhất là ở đỉnh cao của bóng đá, tin rằng họ đang bị đòi hỏi quá nhiều. Việc mở rộng các giải đấu đã bóp nghẹt cơ hội nghỉ ngơi và khiến các ngôi sao quốc tế thường xuyên phải thi đấu vượt quá ngưỡng 55 trận/mùa do FIFPro, hiệp hội cầu thủ thế giới, khuyến nghị.
Mùa giải năm nay càng làm dấy lên những bất bình. Định dạng mới của UEFA Champions League bổ sung thêm hai trận đấu vòng bảng vào lịch trình của một câu lạc bộ tham dự và mùa hè chứng kiến FIFA khởi động FIFA Club World Cup mới từ ngày 15/6 đến 13/7.
Chiến dịch 2024-2025 bắt đầu với việc Rodri và các đồng đội tại Manchester City về lý thuyết phải đối mặt với 75 trận đấu cho câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. "Nó quá nhiều", Rodri nói hôm thứ Ba. "Không phải mọi thứ đều là tiền bạc hay tiếp thị. Đó là về chất lượng trình diễn. Khi không mệt mỏi, tôi sẽ thi đấu tốt hơn”.
Chỉ trong vài câu nói ngắn gọn, Rodri đã chỉ ra "nút bấm hạt nhân" trong kho vũ khí của các cầu thủ. Từ lâu đã tồn tại quan điểm cho rằng tiếng nói của họ không được lắng nghe, một cảm giác ăn sâu bởi sự bành trướng ngày càng tăng của cả UEFA và FIFA. Các chuyến du đấu trước mùa giải và cuối mùa giải với lịch trình di chuyển dày đặc cũng là một điều bất tiện mà các cầu thủ buộc phải chấp nhận.
Tuy nhiên, sáu tháng qua đã chứng kiến một phản ứng được dàn dựng bài bản. Hai trong số các hiệp hội cầu thủ lớn nhất châu Âu, Hiệp hội Cầu thủ BĐCN Anh (PFA) và Hiệp hội Cầu thủ BĐCN Pháp, đã khởi kiện FIFA vào tháng 6, phản đối tính hợp pháp của việc cơ quan quản lý này "đơn phương" thiết lập lịch thi đấu quốc tế. Một tháng sau, đến lượt Liên đoàn các giải VĐQG châu Âu, đại diện cho bóng đá chuyên nghiệp ở 30 quốc gia châu Âu, bao gồm cả Ngoại Hạng Anh, hợp tác với La Liga và FIFPro châu Âu để đệ đơn khiếu nại chính thức lên Ủy ban châu Âu chống lại FIFA. FIFPro cho biết FIFA Club World Cup mới là "giọt nước tràn ly" và những lằn ranh đối đầu sâu sắc, với trọng tâm là người chơi, giờ đã được vạch ra. Họ lập luận rằng, đã đến lúc phải dừng lại.
Kịch bản như thế nào?
Rodri có thể đã gợi ý rằng hành động đình công đã "gần kề", nhưng con tàu vẫn còn cách điểm đến đó một quãng đường dài. Điều này sẽ phải được phối hợp thông qua PFA hoặc FIFPro và sẽ được coi là phương sách cuối cùng nếu mọi cuộc đàm phán với các bên liên quan đều thất bại.
PFA, với tư cách là hiệp hội cầu thủ duy nhất của bóng đá Anh, về mặt lý thuyết sẽ phải hỏi ý kiến của gần 5.000 thành viên xem họ có ủng hộ một cuộc đình công hay không và sau đó sẽ yêu cầu đa số phiếu bầu ủng hộ để tiến hành.
Bất kỳ giải đấu nào bị ảnh hưởng, cho dù do NH Anh, LĐBĐ Anh, UEFA hay FIFA điều hành, cũng sẽ có quyền thực hiện hành động pháp lý trả đũa để ngăn chặn bất kỳ cuộc đình công nào đã được lên kế hoạch.
"Chúng tôi đã thực sự cố gắng hết sức để hợp tác với các bên liên quan", Maheta Molango, giám đốc điều hành của PFA, nói vào tuần trước. "Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng hết sức để đạt được một giải pháp ngoại giao - hành động pháp lý luôn là một thất bại cho tất cả mọi người. Nhưng đôi khi khi người lớn không thể tìm ra giải pháp, bạn cần có người thứ ba quyết định thay cho mình”.
Hoàng Hương