Người có công được hỗ trợ từ 30 triệu đến 60 triệu đồng/hộ khi cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở- Đây là quy định tại Quyết định 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023–2025.
Theo đó, từ ngày 9/1/2025 đến ngày 31/12/2025- ngày Quyết định 21/2024/QĐ-TTg có hiệu lực, mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) là: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở; Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương như sau:
Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022 – 2025, theo nguyên tắc thực hiện trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách Trung ương và khả năng cân đối ngân sách từng địa phương; đồng thời, yêu cầu các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự toán ngân sách phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Như vậy, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa: 100% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách Trung ương; 80% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 20% trở xuống; 50% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương từ trên 20% đến 60%. Các địa phương còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo; trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cơ sở xác định địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách Trung ương, địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương, trong giai đoạn 2023 - 2025, xác định theo dự toán năm 2023 được Quốc hội quyết định.
Quyết định 21/2024/QĐ-TTg cũng quy định, nguồn vốn thực hiện là ngân sách nhà nước, bao gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ đối ứng. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tùy tình hình điều kiện thực tế, các địa phương có thể huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (ngân sách địa phương, xã hội hoá, dòng họ...) và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ để nâng cao mức hỗ trợ.
Theo Pháp lệnh về Ưu đãi người có công với cách mạng, đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sỹ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.
Tùng Anh