Ngày 22/11, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Khang- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Hội thảo là dịp để Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng với các cơ quan ở trung ương, địa phương nhận định, soi chiếu, dưới cả lăng kính lý luận lẫn thực tiễn sinh động, những khía cạnh về địa vị chính trị, pháp lý, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng- Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo cũng là dịp để đánh giá kết quả thực hiện những chủ trương, định hướng, giải pháp lớn về lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề chuyên môn, kỹ thuật; vấn đề tác phong, kỷ luật lao động, nâng cao năng suất lao động; hay vấn đề trí thức hóa công nhân…
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn, từ kết quả của hội thảo sẽ khơi gợi, hình thành một số giải pháp cơ bản, trọng tâm nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở đó, hình thành một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước về một số chủ trương, chính sách mang tính căn bản, có tính cách mạng, đột phá, nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho lực lượng lao động, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thực sự hiện đại, lớn mạnh, để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng- Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, trong đó có hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đạt được những kết quả quan trọng.
Giai cấp công nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức, có tay nghề, kỹ năng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đã phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Nguyễn Đình Khang- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Trong bối cảnh hiện nay, để chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng đã ban hành các chủ trương, chính sách về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng giai cấp công nhân hiện đại trong điều kiện mới. Trong Văn kiện XIII, Đảng ta xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. “Đây là một chủ trương rất quan trọng, đúng đắn và kịp thời, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển mới của đất nước trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng”- GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và 10 năm thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, đời sống vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân từng bước được nâng cao; việc làm ổn định; tiền lương, thu nhập được cải thiện; môi trường làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh, lao động; quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, các cuộc tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể giảm. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày một tốt hơn; chế độ an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN-KCX được quan tâm hơn; hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được tăng cường; các hoạt động, phong trào văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí của công nhân phong phú, đa dạng. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân nhờ đó được cải thiện. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp; tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật; nhận thức chính trị, pháp luật của giai cấp công nhân chuyển biến tích cực, số lượng công nhân ưu tú được kết nạp đảng tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn cho thấy một số vấn đề tồn tại, cấp bách của CNLĐ chưa giải quyết triệt để: ở một số nơi, CNLĐ còn phải làm việc với cường độ cao, tăng ca nhiều; môi trường, điều kiện làm việc chưa đảm bảo; nhà ở, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; dân chủ tại doanh nghiệp còn hình thức; vai trò làm chủ của người lao động còn mờ nhạt; tranh chấp lao động và đình công, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn còn tồn tại; vấn đề dịch chuyển, cạnh tranh lao động, biến đổi cơ cấu trong giai cấp công nhân diễn biến phức tạp; công tác đào tạo nhân lực có nhiều bất cập, chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng sống và làm việc trong môi trường đa văn hóa vẫn tiếp tục là thách thức đối với giai cấp công nhân Việt Nam; tỷ lệ cán bộ trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn còn thấp, v.v..
Trước những hạn chế được nêu ra, các tham luận, ý kiến thảo luận thống nhất quan điểm, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện mới. Nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đối với giai cấp công nhân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; thực hiện tốt các chính sách, pháp luật và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.
Quan tâm bồi dưỡng ý thức chính trị, ý thức giai cấp, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho giai cấp công nhân; đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm xây dựng và nâng cao ý thức chính trị cho công nhân; đổi mới tuyên truyền về hệ thống chính sách, pháp luật, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá cho giai cấp công nhân; .. Nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ của giai cấp công nhân Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị…
Thanh Hằng