Nhiều người ở Mỹ đang đổ xô đi mua hàng hóa, nâng cấp ôtô và thiết bị cũ để tránh nguy cơ giá cả tăng cao vì các mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết áp dụng.
Làn sóng chi tiêu hiện nay đang khiến người ta liên tưởng đến những ngày mua sắm tích trữ hàng hóa hồi năm 2020 trước khi có lệnh phong tỏa chống đại dịch COVID-19, theo Tạp chí Phố Wall. Nhiều người lo ngại thuế quan cao hơn sẽ khiến hàng hóa đắt đỏ hơn, nên họ quyết định mua tích trữ trước khi Donald Trump nhậm chức và ban hành các mức thuế.
Theo khảo sát hằng tháng của Đại học Michigan, 1/4 số người Mỹ được hỏi nhận định hiện là thời điểm tốt để chi tiêu nới tay vì họ dự đoán giá sẽ tăng vào năm tới. Khảo sát gần đây của CreditCards.com đối với 2.000 người cho thấy 1/3 trong số họ đang mua sắm nhiều hơn vì lo ngại thuế quan.
Gerard Szarek, một cư dân ở Massachusetts là một điển hình. Ông đã lấp đầy tầng hầm rộng 800m2 của mình với các loại café, dầu ôliu và khăn giấy số lượng lớn. Theo ông, không những thuế quan, kế hoạch trục xuất người nhập cư của Tổng thống Trump cũng sẽ khiến chi phí lao động và giá cả hàng hóa ở Mỹ tăng cao.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 11/2024, chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với tháng trước. Sự gia tăng này một phần là do người tiêu dùng đổ xô mua sắm hàng hóa lâu bền sau khi ông Trump cam kết áp thuế đối với hàng hóa từ các nước, trong đó có Canada, Mexico và Trung Quốc.
Các nhà kinh tế học cảnh báo, làn sóng mua sắm tích trữ kiểu như vậy có thể đẩy giá lên cao bất kể hàng hóa có bị áp thuế hay không. Giá tăng có thể rơi vào các mặt hàng đang được hưởng mức thuế thấp, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã đề xuất mức thuế 10% đến 20% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu và 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại. Sau cuộc bầu cử, ông tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và đe dọa áp dụng mức thuế 100% đối với các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE.
Theo giới phân tích, nếu được thực thi, các mức thuế quan này có thể gây rối loạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và làm giảm biên lợi nhuận. Theo một nghiên cứu gần đây từ Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ, thuế quan có thể làm giảm tới 78 tỷ USD sức mua hàng năm của người tiêu dùng.
Giáo sư kinh tế Harrison Hong tại Đại học Columbia nhận định nếu lượng mua đủ lớn và tình trạng thiếu hụt đủ lớn, các nhà bán lẻ ở Mỹ sẽ phải tăng giá. Ông dẫn chứng lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải loại basmati của Ấn Độ hồi năm 2007 đã khiến người Mỹ khi đó ra sức tích trữ gạo, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt.
Các doanh nghiệp Mỹ, đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 3.200 tỷ USD trong năm 2022, hiện đang lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất. Một số doanh nghiệp bắt đầu tích trữ hàng nhập khẩu để đón đầu, trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang khuyến khích người tiêu dùng mua ngay trước khi giá tăng. Từ đồ nội thất đến cần câu cá, các doanh nghiệp đang tận dụng nỗi lo ngại về thuế quan để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Ngọc Tuấn