Ngày 14/12/2024, nghề làm muối Sa Huỳnh (Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sa Huỳnh nằm cách trung tâm TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) khoảng 60km về phía Nam. Nơi đây không chỉ có văn hóa Sa Huỳnh- nền văn hóa khảo cổ có niên đại 2.500–3.000 năm; những bãi biển hoang sơ và đẹp nhất của miền Trung Việt Nam… mà còn có nghề làm muối cổ truyền với cánh đồng muối mênh mông, mang lại sinh kế cho nhiều người dân, hằng năm cung cấp cho thị trường từ 6.000– 6.500 tấn muối.
Theo lịch sử ghi lại, nghề làm muối Sa Huỳnh được hình thành từ thế kỷ 19 và được tiếp nối qua các thế hệ, trở thành nghề truyền thống đặc trưng của cư dân. Bắt nguồn từ khi diêm dân từ các vùng Nghệ An, Thanh Hóa di cư đến Sa Huỳnh, muối Sa Huỳnh được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống: Phơi nước mặn phân tán, kết tinh nhờ ánh nắng mặt trời và gió. Do vậy, mùa làm muối thường bắt đầu vào tháng Giêng Âm lịch đến tháng 7 âm lịch hằng năm.
Có thể nói, nghề làm muối Sa Huỳnh là “loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Quảng Ngãi, có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng - địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được cộng đồng người dân Sa Huỳnh tự nguyện cam kết bảo vệ”. Đến nay, muối Sa Huỳnh đã xây dựng được thương hiệu, có nguồn lao động dồi dào, hệ thống hạ tầng phục vụ đồng muối (đê biển, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước…) đầu tư xây dựng cơ bản... tuy nhiên, giá muối rất bấp bênh, nên thu nhập của diêm dân chưa được ổn định.
Bằng việc nghề làm muối Sa Huỳnh được công nhận trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi- trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về Di sản Văn hóa; các cấp, ngành địa phương tận dụng, phát huy mọi thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm thu nhập cho diêm dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương.
Tùng Anh