Indonesia nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp, nền văn hóa đậm đà bản sắc và người dân hiếu khách, nồng hậu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp quyến rũ của cảnh quan là một thách thức cấp bách, đó là thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn.
Hai vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là các cộng đồng nghèo, nơi nguồn lực hạn chế cản trở việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Giải quyết hai vấn đề này rất quan trọng, vì qua đó, có thể phá vỡ “vòng lặp nghèo đói” và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo thống kê, tại Indonesia, 9,4% dân số đang sống dưới mức nghèo khổ; khoảng 192 triệu người chưa được tiếp cận với nước sạch; 14 triệu người chưa được tiếp cận với điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn. Một báo cáo của UNICEF thông tin, gần 25 triệu người Indonesia đi vệ sinh ngoài trời, 89% nguồn nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn phân và đáng lưu ý, chỉ có 7% nước thải được xử lý.
Việc xử lý nước thải không đúng cách và nước thải chưa qua xử lý làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm nước, dẫn đến việc tiêu thụ nước không an toàn. Cộng với nghèo đói, dẫn đến tạo ra môi trường thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường nước như tiêu chảy, dịch tả. Đối với trẻ em, nguồn nước không an toàn và điều kiện vệ sinh kém dẫn đến các bệnh mãn tính, thậm chí là còi cọc. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), 21/1.000 trẻ em Indonesia tử vong trước 5 tuổi.
“Khủng hoảng” nước và vệ sinh ở Indonesia không chỉ là vấn đề sức khỏe cộng đồng mà còn là vấn đề môi trường. Việc xử lý chất thải không đúng cách dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng sông hồ, nhiều sông hồ trong số đó là nguồn nước chính của người dân. Có tới 4 con sông lớn của Indonesia, bao gồm Brantas, Ciliwung, Citarum và Progo, nằm trong danh sách 20 con sông ô nhiễm nhất thế giới. Tình trạng ô nhiễm lan rộng này làm suy yếu đa dạng sinh học và gây ra mối đe dọa đáng kể đến năng suất nông nghiệp, làm trầm trọng thêm những thách thức mà Indonesia phải đối mặt.
Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cơ sở xử lý nước thải và hệ thống phân phối nước sạch. Trong những năm qua, một số tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng vệ sinh kém và cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch ở Indonesia. Chẳng hạn, kể từ năm 2014, Water.org đã trao quyền cho hơn 5,1 triệu người dân Indonesia tiếp cận nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn thông qua các quan hệ đối tác sáng tạo, giải pháp tài chính. Sáng kiến WaterCredit của Tổ chức này và các đối tác đã mở rộng cơ sở hạ tầng về nước và vệ sinh; tăng cường các tiện ích nước địa phương; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp tiết kiệm chi phí để mở rộng các dịch vụ nước, vệ sinh bền vững. Những điều này không chỉ cải thiện sức khỏe người dân, mà còn hỗ trợ các mục tiêu phát triển và kinh tế rộng lớn hơn của Indonesia.
Ở tầm hợp tác nước ngoài, Indonesia, UAE và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) hợp tác để giải quyết tình trạng ô nhiễm sông hồ, thông qua sáng kiến Clean Rivers. Trong 3 năm tới, Sáng kiến này dự kiến sẽ làm sạch 5.000 tấn rác thải từ 5 khu vực sông, nhằm ngăn chặn rác thải xâm nhập đại dương và thúc đẩy các hoạt động quản lý nước bền vững; cụ thể, hướng đến mục tiêu giảm 70% rác thải biển vào năm 2025. Bên cạnh đó, LHQ cũng tạo điều kiện tài trợ 1,7 tỷ USD cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), trong đó có Mục tiêu 6- Đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh- cho Indonesia. Như vậy, giải quyết vấn đề nước và vệ sinh ở Indonesia không chỉ là để nâng cao sức khỏe cộng đồng mà còn là để phá vỡ “vòng lặp nghèo đói” và khai thác hết tiềm năng của đất nước. Trong đó, mở rộng hệ thống cơ sở xử lý nước thải, cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và giải quyết tình trạng phóng uế bừa bãi là những bước quan trọng nhất của quá trình.
Tùng Anh (Theo Nour)