Nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa ra mắt tập truyện Hoa Xuân trong gió Xuân, gồm 19 truyện ngắn chọn lọc với đề tài chủ đạo về đồng bào DTTS và miền núi. Đời sống sinh hoạt và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao… vẫn là nguồn cảm hứng bất tận với chị.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy từng gây ấn tượng mạnh với độc giả và những người yêu điện ảnh với tác phẩm Tiếng đàn môi sau bờ rào đá- được chuyển thể thành phim điện ảnh Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải, giải Cánh diều Vàng năm 2005).
Trong tác phẩm của Đỗ Bích Thủy, núi rừng Hà Giang hiện lên thật đẹp nhưng cũng thật buồn. Sinh ra và lớn lên ở miền núi, nên nơi đây luôn là đề tài bất tận cho văn chương của chị. Suốt chặng đường dài văn chương đã đi qua, từ tiểu thuyết, truyện ngắn hay tản văn của chị, đều luôn có bóng dáng của núi rừng Tây Bắc và đồng bào dân tộc nơi đây… Trong tác phẩm mới ra mắt Hoa Xuân trong gió Xuân cũng vậy, 19 truyện ngắn chọn lọc vẫn đi theo mạch đề tài chủ đạo là đồng bào DTTS và miền núi. Những trang viết thấm đẫm hơi thở của những vùng văn hóa Mông, Tày, Dao,…
Trong truyện mở đầu Hoa Xuân trong gió Xuân, Đỗ Bích Thúy kể câu chuyện về một cô gái dân tộc dám theo đuổi tình yêu. Truyện nói về cô gái Chía không chấp nhận cưới người không yêu mà tự đi tìm hạnh phúc. Được mẹ bày cách, cô bỏ trốn với người yêu ngay trong đám cưới. Sau một tháng, đôi trẻ được bố Chía và 2 bên gia đình chấp thuận: "Chả về mà chuẩn bị đám hỏi chứ gì nữa. Để con gái tao ở lại đây, cưới mới được đón"- ông yêu cầu chàng trai về nhà thưa chuyện với bố mẹ để hỏi cưới con gái mình. Truyện kết thúc ở cảnh 2 người yêu nhau đến được với nhau. Cô gái đứng dưới tán cây mận nhìn theo bóng người yêu, những bông hoa mận rơi lả tả trong gió Xuân.
Cuốn sách còn viết về tình cảm gia đình, dù ở vùng cao hay thành phố, cha mẹ luôn hy sinh vì con. Khách quýcho thấy hình ảnh người mẹ dân tộc nhớ thương con đi làm xa: "Cháu ngoại ơi, cháu ngoại ơi. Mang mẹ về cho bà với chứ". Tình cảm của mẹ dành cho con trai nuôi được thể hiện qua Chiếc hộp khảm trai, hay trong truyện Em như sợi chỉ xanh, bố mẹ của Vi bán cả mảnh đất, tài sản lớn nhất được truyền lại từ đời ông bà để con gái đã quá lứa lỡ thì lấy được chồng.
Tập truyện còn viết về chân dung những thầy, cô giáo bám trụ vùng cao, mang con chữ đến cho học trò miền núi. Truyện Ấm áp như nước khắc họa hình ảnh cô giáo Hiên luôn tìm cách duy trì sĩ số lớp, vận động phụ huynh cho HS đến trường. Cô đi từng nhà, dùng mọi lý lẽ thuyết phục, chấp nhận uống 5 chén rượu ngô để gia đình cho các em đi học, trên đường đón HS, cô bị ngã: "Chả có ai trên đời này biết rằng cô vừa bị ngã lúc đi đón thằng bé, bùn ướt sũng từ gót chân tới mông quần"…
Trong tập truyện này, Đỗ Bích Thúy cũng đưa người đọc xuôi về thành phố với những câu chuyện nơi góc phố nhỏ, về cốt cách người Hà Nội. Truyện Chiếc hộp khảm trai là góc nhìn của Bình- con dâu- về mẹ chồng, một phụ nữ Thủ đô. Bà ăn mặc tươm tất, lịch sự ở tuổi 70 và luôn giữ nhà cửa ngăn nắp, “không một hạt bụi”. Nhà văn viết: “… Bà còn là chỗ dựa tinh thần cho con trai và con dâu, luôn tôn trọng sở thích, lối sống của 2 con. Bình xót xa khi mẹ chồng bị bệnh: “Bấy lâu, mẹ như một chỗ dựa cho 2 vợ chồng những lúc bát đũa xô lệch, nay mẹ nằm một chỗ, sự hẫng hụt đã thành một khoảng trống rất lớn”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “Từ đề tài miền núi, hiện thực và lãng mạn, bay lên như Tiếng đàn môi bên bờ rào đá, văn chương nhà văn xuất thân từ miền núi này, sau hơn chục năm gần đây bắt đầu len lỏi vào cái sâu thẳm của đất ngàn năm, mà ở đó Đỗ Bích Thúy vẫn giữ được góc nhìn hết sức nhân hậu và bản lĩnh”.
Minh Anh